Thời Nguyễn tuyên truyền luật cho dân chúng bằng thơ

22/05/2021 14:21 GMT+7

Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi Hoàng Việt luật lệ dưới hình thức giản dị, gần gũi trong dân chúng.

Tác phẩm nghiên cứu Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca (Khảo cứu-Phiên âm-Chú giải) của TS Phạm Ngọc Hường vừa được NXB Khoa học xã hội ấn hành, cung cấp một tư liệu giá trị về pháp luật thời Nguyễn cũng như việc “diễn ca” luật pháp tuyên truyền trong dân chúng.

Hoàng Việt luật lệ được biên soạn để ổn định xã hội

Qua nghiên cứu Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca (Khảo cứu-Phiên âm-Chú giải), tác phẩm cho biết việc ra đời của bộ luật tiêu biểu của nền luật pháp nhà Nguyễn. Theo đó, sau khi nhà Nguyễn được vua Gia Long lập nên, bên cạnh những hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội, vua Gia Long cũng chú trọng tới luật pháp để thế chế hóa phép trị dân. Việc soạn luật được giao cho Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1757-1817) đứng đầu nhận lãnh.
Năm Nhâm Thân (1812), bộ Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Luật Gia Long) được hoàn thành, Nguyễn Văn Thành và Vũ Trinh sửa định các điều luật lệ. Bộ luật có tổng cộng 398 điều, chia ra 22 quyển. Cũng năm này, bộ luật được chính quyền khắc in. Đến năm Ất Hợi (1815) Hoàng Việt luật lệ được chính quyền chính thức áp dụng, cho thực thi trên toàn quốc.
Trong bài tựa cho bộ luật, vua Gia Long đã nêu rõ sự cần thiết cũng như tác dụng của bộ luật đối với nước nhà: “Khiến người ta biết được phép lớn cấm ngừa, rõ như mặt trời mặt trăng không thể ẩn giấu. Điều cấm răn dạy nghiêm như sấm sét không thể xâm phạm. Kẻ lại giữ việc quan được vâng làm phép sáng, người dân ngu dốt dễ tránh sự sai lầm, do đó dời đến điều lành, lánh xa trừng phạt, thoát hình ngục mà theo giáo hóa, không phạm đến quan, chẳng hại lẽ chính”.
Nghiên cứu Hoàng Việt luật lệ, TS Phạm Ngọc Hường nhận định, bộ luật này gồm những điều luật mà nói theo ngôn ngữ chuyên ngành hiện nay là hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng: “Trong đó các quan hệ dân sự được đề cập tới nhiều nhất là các lĩnh vực như: quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng và thừa kế ruộng đất”.
Với việc ban hành, áp dụng Hoàng Việt luật lệ trong suốt chiều dài lịch sử nhà Nguyễn, dù có lúc do hoàn cảnh lịch sử, việc thực thi bộ luật có bị ảnh hưởng, nhưng tựu chung, bộ luật đã góp phần đắc lực trong công cuộc cai trị đất nước. “Điều có giá trị lớn nhất của bộ luật là tính khả thi và khả năng kiểm soát xã hội triều Nguyễn. Nó có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của xã hội đương thời”, TS Phạm Ngọc Hường nhận xét. Có thể thấy, đa phần các vị vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… đã vận dụng rất tốt việc thực thi bộ luật này trong xét xử các án lệ với mục đích tối thượng nhằm hạn chế tối đa những hành vi vi phạm pháp luật từ quan đến dân.
Hoàng Việt luật lệ được biên soạn, ban hành, tuy nhiên, để “luật đi vào cuộc sống”, nhất là trong dân, chỉ một bộ phận là trí thức Nho học biết chữ Hán, còn đa phần bạch đinh một chữ bẻ đôi còn chưa tỏ. Việc tuyên truyền pháp luật đến dân trở nên cấp thiết và phải có phương cách hợp lý. Dân Việt ta, dẫu không biết chữ, nhưng lại thuộc nằm lòng những ca dao, tục ngữ, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm hay những thơ khuyết danh đã đi vào đời sống dân gian và có sức sống lâu bền bằng hình thức truyền miệng, vần vè dễ nhớ, dễ thuộc. Và việc tuyên truyền luật thời Nguyễn đã được áp dụng như thế. Trong đó phải kể đến Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca.
Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca là một tác phẩm chữ Nôm gồm 1.806 câu thơ Nôm theo thể song thất lục bát. Tác phẩm này nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi Hoàng Việt luật lệ dưới hình thức giản dị, gần gũi trong dân chúng, giúp cho dân chúng hiểu được luật lệ của quốc gia để thực thi và tuân theo.

Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca giúp tuyên truyền luật pháp

Nói về Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca, TS Phạm Ngọc Hường qua quá trình nghiên cứu, cho biết đây là văn bản luật diễn Nôm thơ lục bát duy nhất hiện còn lại. Đây là thơ lược trích những nội dung chính từ Hoàng Việt luật lệ, được cấu trúc lại thành thể thơ có vần điệu để cho người đọc dễ nghe, dễ nhớ như một lời ca với tinh thần được chính văn bản này ghi:
Ngâm nga gợi nhớ đầu bài
Tiện khi kết nghĩ tìm tòi dễ tra
Bằng như lời lẽ sai ngoa
Còn mong quân tử xét mà bảo cho.
Vẫn lời nhà nghiên cứu cho hay, bản diễn Nôm Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn cachỉ mang tính chất tuyên truyền trong dân gian, nó mang tính chất “nôm na” chứ không phải là bản chuẩn mực để đem ra làm thước đo hay những quy định trong xử phạt”. Đây là bản dùng tuyên truyền cho dân chúng, còn khi thực thi, áp dụng, thì bản Hán Hoàng Việt luật lệ mới là bản quy chuẩn. Nói về tác dụng tuyên truyền, TS Phạm Ngọc Hường ghi: “Bản Nôm chỉ dành cho dân chúng nói chung dễ nhớ dễ thuộc, để lúc nào cũng có thể “ngâm nga gợi nhớ” mà không quên đi điều luật và hình phạt, tránh được những vi phạm pháp luật. Tuy không phải là văn bản quy chuẩn để xử phạt, nhưng xét về phương diện tuyên truyền, Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca lại có giá trị không nhỏ”.
Qua thống kê, tác giả thấy nội dung các điều luật trong Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca được tinh giảm khá nhiều so với Hoàng Việt luật lệ. Cụ thể là có 62/398 điều đã lược gọn chỉ giữ lại tên của điều luật. Chẳng hạn khi nói về các hình phạt trong Ngũ hình, Hoàng Việt luật lệ ghi rõ ràng, chi tiết, nhưng để tuyên truyền và giúp cho dân dễ nhớ đại lược, Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca đã diễn thơ như dưới đây:
Thứ nhất này mục ngũ hình
Một si hai trượng đồ hình là ba
Bốn lưu đi ở phương xa
Năm là hình tử tấu qua thẩm lường
Hình nào cho chuộc phải tường
Nạp thu chuộc tội rộng đường hiếu sinh.
Hay ở Điều 87 (Bán trộm ruộng đất của người khác), trong Hoàng Việt luật lệ được ghi, quy định chi tiết tội trạng “bán trộm” tính theo đơn vị cụ thể về số mẫu ruộng, số gian nhà cùng hình thức phạt roi, trượng, đồ, lưu… Tuy nhiên, khi tuyên truyền qua Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca, Điều 87 đã được tóm lược và thơ hóa như sau:
Tám bảy đạo mại trạch điền
Hoán dịch mạo nhận hư tiền thực văn
Ruộng một mẫu, nhà một gian
Hoặc xâm chiếm cùng đánh roi năm mươi
Nhà ba gian ruộng ngoài năm mẫu
Nhất đẳng gia trượng độ tám tuần
Cưỡng chiếm sơn viên kim ngân
Trượng thì nhất bách lưu ngần tam thiên
Ai vọng nhận nhân điền vật sản
Mà mông lung đầu hiến quan hào
Người cho kẻ lấy tội đều
Đồ ba năm nhận trượng chiều một trăm.
Về tác giả của Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca, sách ghi là Ngô Dĩnh, hiệu Cát Xuyên, làm quan Án sát xứ Cao Bằng. Qua nghiên cứu, tác giả đã làm rõ thêm về thông tin của người làm nên Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca. Người đó thực không xa lạ với những ai yêu sử nước nhà. Qua những sử liệu có liên quan, bước đầu tác giả đưa ra nhận định Ngô Dĩnh chính là Lê Ngô Cát, tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca mà hiện nay được nhiều đơn vị xuất bản in ấn, phát hành, và thời điểm diễn ca của tác phẩm Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca vào khoảng từ năm 1868 đến năm 1875.
Để tìm hiểu nội dung toàn văn của Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca, nhà nghiên cứu ngoài phần phụ lục ảnh ấn nguyên bản Nôm của tác phẩm này, cũng đã phiên âm Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca để công bố văn bản đến độc giả quan tâm.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.