Về đến TP.HCM, các y bác sĩ phải cách ly tiếp 14 ngày ở khách sạn.
Điều dưỡng Trương Văn Lễ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, nói vui: "Về tới TP.HCM rồi nhưng chưa tới nhà, còn xa lắm!".
Tất cả vì bệnh nhân
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Nguyên, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhớ lại những ngày trong tâm dịch Quảng Nam.
Theo đó, thời gian ở Quảng Nam, BS Nguyên được phân công đảm nhiệm Khoa Cấp cứu và hỗ trợ Khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa T.Ư Quảng Nam. Vào những ngày cao điểm, mỗi ngày khoa cấp cứu nhận 5 - 7 bệnh nhân (BN) mới, còn khoa hồi sức tích cực nhận 3 - 4 BN/ngày.
BN ở khoa hồi sức tích cực là những ca bệnh nặng, có nhiều bệnh nền. “Trong đó có BN nữ, 83 tuổi, suy kiệt nặng, loét mông lộ xương do nằm lâu ở nhà, tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường, nhập viện vì Covid-19. BN bị nhiễm trùng huyết... Tất cả đồng nghiệp chúng tôi cùng hội chẩn để điều trị và chăm sóc từng chút một mỗi ngày cho BN, nhờ đó bệnh ổn định hơn”, BS Nguyên chia sẻ.
|
“Chúng tôi vừa làm vừa học, tự cập nhật kiến thức từ những nghiên cứu của thế giới để áp dụng với mong muốn điều trị ít gây hại nhất cho BN. Kết quả cũng rất đáng mừng khi nhiều BN khỏi bệnh; BN nặng tiến triển tốt dần, chưa có BN nào diễn tiến nặng hơn”, BS Lê Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu BV, nói. "Ai cũng có một tuổi trẻ để làm việc lớn lao, thế nên khi biết mình đi chống dịch, mình sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ", BS Tuấn chia sẻ.
Một ngày của y bác sĩ tăng cường
BS Nguyên kể về công việc hằng ngày của mình: "Sáng tôi vào khoa cấp cứu để xem tình hình BN, rồi giao trực giữa các ca. Nếu có phát sinh gì mới thì cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ. Nhưng quan trọng là không được quên động viên tinh thần anh em lẫn nhau. Khoảng 10 giờ, tôi họp giao ban những ca bệnh nặng, phức tạp để nắm tình hình và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho BN. Khoảng 12 giờ, chúng tôi ăn trưa, nghỉ ngơi. Buổi chiều chúng tôi chia nhau dạy lý thuyết và thực hành cho các BS, điều dưỡng ở BV".
“7 giờ 30 sáng, tôi vào khoa thăm các BN, hướng dẫn các bạn đồng nghiệp ở BV chăm sóc, vệ sinh cho BN và làm việc cùng các đồng nghiệp. Công việc như vậy kéo dài hết ngày. Tôi luôn phải lạc quan, từ đó mới giúp các đồng nghiệp nhận thấy để cùng nỗ lực vượt qua trận dịch”, điều dưỡng Trương Văn Lễ cho biết.
Chia sẻ về việc "đáng nhớ nhất trong đời điều dưỡng của mình", anh Lễ nói đó là một buổi trưa, sau khi anh từ buồng BN ra thì thấy có chị đồng nghiệp ngồi khóc, bên cạnh là các đồng nghiệp an ủi. “Hỏi ra thì được biết chồng chị vừa đột ngột mất. Còn chị thì đang phải tham gia chống dịch tại BV. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh đó cũng chẳng biết làm sao. Bởi sự ra đi của người thân - chồng giữa bối cảnh như thế này thì không có nỗi đau nào bằng. Sự ra đi của anh để lại cho chị đồng nghiệp 2 con thơ nhỏ dại… giữa trận dịch Covid-19”, điều dưỡng Văn Lễ kể và nói: "Câu chuyện mang giá trị nhân văn sâu sắc, sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ áo trắng cho BN. Trân quý những con người ấy - những anh hùng áo trắng".
Nhờ có "hậu phương"“Đây là chuyến công tác xa gia đình lâu nhất. Hằng ngày tranh thủ lúc ăn trưa, điện thoại hỏi thăm gia đình, qua video call nhìn thấy con nên cũng phần nào đỡ nhớ gia đình. Các bạn đồng nghiệp ở BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM không chỉ luôn hỏi thăm động viên mà phải làm thay công việc của mình”, điều dưỡng Lễ tâm sự và chia sẻ thêm, trong thời gian anh đi hỗ trợ đúng vào dịp kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng anh. "Đôi khi phải hy sinh hạnh phúc riêng tư của cá nhân. Rất vui vì bà xã luôn hiểu nghề của mình", anh nói.
|
Bình luận (0)