398 ngành nghề đòi giấy phép con

07/10/2014 05:30 GMT+7

Ngày 6.10, trong buổi làm việc đầu tiên công bố kết quả rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, ông Lê Duy Bình, thành viên Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì, cho biết hiện vẫn còn tới 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mang tính chất như những “ giấy phép ” kinh doanh.

Bộ Công thương là “nhà vô địch” với 68 ngành nghề

Kinh doanh thực phẩm, ngành được kiểm tra rất chặt lúc đăng ký kinh doanh nhưng lại buông lỏng ở khâu hậu kiểm - Ảnh: Ngọc Thắng

 “Trong số này, Bộ Công thương là nhà vô địch trong việc ra điều kiện gia nhập thị trường với 68 ngành nghề kinh doanh phải có điều kiện, tiếp theo là Bộ NN-PTNT với 58 loại giấy, Bộ GTVT có 31, Ngân hàng Nhà nước VN có 30 loại… Ít nhất là Bộ Tư pháp (7 loại) và Bộ KH-ĐT (4 loại)”, ông Bình cho biết.

 

398 hay 425 ?

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ KH-ĐT, đây là chiến dịch rà soát giấy phép con lần thứ 4 nên con số đưa ra cần hết sức thận trọng. “Con số 398 là rất cũ. Theo tôi, loại đi các giấy trùng lắp thì còn 368, nhưng một số ngành lại bổ sung mới nên đến giờ phút này, loại hình kinh doanh có điều kiện đã lên tới con số 425... Có nhiều ngành quy định điều kiện kinh doanh quá chặt như sản xuất thực phẩm rất chặt, đến bốn trang quy định chi tiết, để đáp ứng các điều kiện này DN khốn khổ nhưng vấn đề là hậu kiểm mới giảm ngộ độc thực phẩm”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Bình, đợt rà soát này cho thấy các bộ ngành tiếp tục đưa ra quá nhiều điều kiện kinh doanh. Cách đây 10 năm, khi Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp (DN) qua rà soát có 500 loại giấy phép con đã kiến nghị bãi bỏ còn khoảng 300, nay lại vọt lên 398. Trong đó, có 44 ngành nghề đòi chứng chỉ hành nghề (53 loại chứng chỉ hành nghề); 11 ngành nghề yêu cầu xác nhận vốn pháp định; 345 ngành nghề yêu cầu có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… ẩn chứa nhiều điều kiện không cần thiết, tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). “Hiện có quá nhiều điều kiện kinh doanh với nhiều quy định quá khắt khe nên đã gây những hệ lụy nhất định. Ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn quốc chỉ có 3.517 DN đăng ký, chiếm 1,01% tổng số DN đang hoạt động là con số quá ít ỏi. Hay chỉ có 220 DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, 334 DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…”, ông Bình nói.

Theo các thành viên của tổ công tác, nhiều bộ vẫn đưa ra các lý do để bảo vệ các “giấy phép con” như vì lợi ích xã hội; bảo vệ môi trường, do chức năng của bộ, ngành phải làm việc đó. “Thực ra, những điều kiện này đều không cần thiết vì có những ngành cần khuyến khích DN tham gia thị trường như khoa học, công nghệ và để thị trường sàng lọc... nhưng một số bộ, ngành vẫn muốn giữ quyền được cấp phép. Một số ngành còn nặng về tiền kiểm nhưng lại quên hậu kiểm sau đó”, ông Bình nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thành viên của tổ công tác, nhận định: “Là người tham gia chiến đấu bãi bỏ 256 giấy phép đợt trước, tôi thấy tình hình bây giờ phức tạp hơn và khó khăn hơn nhiều”. Theo ông, tổ công tác cần làm rõ hơn phương pháp luận và căn cứ thực tiễn để trong thời gian tới thuyết phục Chính phủ, Quốc hội và nhất là các bộ bãi bỏ các giấy phép không cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, Tổ phó tổ công tác, cho biết thời gian tới tổ này sẽ làm việc với từng ngành, từng địa phương để tiếp tục rà soát.

Hà Nguyễn

>> Nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp kiểm định tư nhân sẽ chết vì 'giấy phép con
>> Doanh nghiệp vận tải khổ vì giấy phép con
>> Cần bỏ "giấy phép con" trong biểu diễn
>> Từ 1.9.2008: Bãi bỏ tất cả "giấy phép con" trong kinh doanh
>> Tình trạng giấy phép con chưa được kiểm soát tốt
>> Cũng là "giấy phép con" trong xuất khẩu gạo
>> Cuộc chiến với "giấy phép con" lại vào hồi cam go...  

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.