‘Băm nát’ rừng phòng hộ Long Thành

28/01/2019 06:27 GMT+7

Hàng trăm héc ta rừng đước trên địa bàn các xã Long Thọ, Phước An (H.Nhơn Trạch) và Long Phước (H.Long Thành, Đồng Nai) thuộc rừng phòng hộ Long Thành bị tàn phá không thương tiếc…

[VIDEO] Rừng phòng hộ Long Thành bị “băm nát”
Rừng phòng hộ (RPH) Long Thành (rừng ngập mặn) có tổng diện tích tự nhiên gần 8.000 ha nằm trên địa bàn các xã: Long Phước (H.Long Thành) và Phước An, Long Thọ (H.Nhơn Trạch). Khu vực này thuộc hạ nguồn sông Đồng Nai có địa hình trũng trên trầm tích đầm lầy, thấp hơn mực nước biển từ 1 - 2 m nên thường xuyên bị ngập. Khu vực này cũng bị ảnh hưởng trực tiếp của 2 con sông Thị Vải và Đồng Tranh. Hệ sinh thái chịu ảnh hưởng xâm mặn của biển đã tạo nên một vùng động thực vật đa dạng, phong phú.
Gỗ đước tập kết thành những đống lớn
Ngoài những lợi ích kinh tế, khu vực hạ lưu sông Đồng Nai còn có những loại cây có thể sinh trưởng, phát triển trên nước mặn, nước lợ như cây đước. Chiều cao trung bình của mỗi cây đước từ 10 - 13 m. Bộ rễ chắc chắn đan xen nhau vây quanh, ngoài nhiệm vụ giữ thẳng đứng cho cây khi phải chống chọi với sức gió, còn có chức năng chống xói mòn đất, ngăn chặn việc đất đai bị rửa trôi ra biển và có khả năng làm sạch môi trường.
Thời gian qua, vùng RPH Long Thành bị ô nhiễm nặng nề do nước thải công nghiệp của các KCN ở Đồng Nai, Vũng Tàu thải ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lượng tôm, cá khu vực này suy giảm nhanh chóng, các loại bò sát, động vật sống trên cạn cũng bị đe dọa.
Những cây đước to bị đốn hạ Ảnh: Lê Bình
Điều đặc biệt nghiêm trọng hơn, rừng ngập mặn này đang bị tàn phá một cách khủng khiếp. Nhiều cây đước bị đốn hạ không thương tiếc để lấy gỗ. Việc tàn phá không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chống chọi với thiên nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình trong khu vực rừng ngập mặn.

Chặt phá rừng vô tội vạ

Gần một năm qua, trên địa bàn xã Long Thọ và xã Phước An (H.Long Thành), người dân bất ngờ khi thấy dọc hai bờ sông xuất hiện hàng ngàn mét khối gỗ đước chất đống như những ngọn đồi trải dài dọc hai bên bờ sông.
Gia đình tôi canh tác trên một đùng với diện tích hơn 5 ha thuộc xã Phước An. Cả gia đình gần 10 nhân khẩu mưu sinh bằng nghề nuôi tôm và đánh bắt tôm tự nhiên, tuy nhiên gần nửa năm nay không có thu nhập vì tôm không sống nổi
Anh N.T.C (ngụ xã Long Thọ)
Theo phản ánh của người dân địa phương, vào khoảng tháng 4.2018, khi người dân đi đặt lờ, thả lưới đánh bắt cá thì phát hiện tại nhiều vạt rừng đước người ta chặt phá loạn xạ. Lúc đầu bà con cũng rất lo lắng nên dò hỏi chính quyền và chốt bảo vệ rừng, sau đó được biết là Ban Quản lý (BQL) RPH có dự án cho cắt tỉa rừng đước. Do RPH thuộc nhà nước quản lý nên người dân nghĩ rằng nhà nước có kế hoạch sử dụng cây đước vào việc gì đó nên mới chặt.
Nhưng lạ là cây đước tại đây bị chặt quá nhiều, sau đó không chuyển đi mà chất thành đống như những ngọn núi nhấp nhô, lấn chiếm nhiều bờ đùng dọc theo mặt sông.
Từ thông tin phản ánh, PV Thanh Niên đã nhiều ngày thuê ghe đi dọc hai bên sông từ bến đò Phước An đi qua sông Thị Vải, cảng Vedan, sau đó tới khu vực xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) thì phát hiện những đống gỗ được chất đầy mặt sông.
Tiếp cận với các đống gỗ thì phát hiện toàn bộ gỗ này là gỗ đước, được cắt khúc dài khoảng 90 cm/khúc, xếp thành đống rất gọn gàng, mỗi đống cao gần 2 m, dài 20 m, có đoạn xếp dài hơn 50 m. Thân cây đước đều là cây đã trưởng thành, đường kính từ 20 - 30 cm. Khi cho ghe chạy tiếp vào những đùng gần nhau, PV ghi nhận tại khu vực xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) có bốn đùng được chất gỗ đước với khối lượng ước tính cả ngàn mét khối.
Tại khúc sông xã Phước An (H.Nhơn Trạch), nhiều đống gỗ đước ở đây còn “khủng” hơn so với khu vực xã Long Thọ. Trên 2.000 m3 gỗ đước bị chặt hạ và cũng xếp thành đống chờ bốc đi. Những đống gỗ đước ở đây được chất cao hơn, xếp dài hơn, có đống chất cao 3 m, dài 100 m, thậm chí 200 m. Số lượng cây đước ở xã Phước An được chặt dài hơn, bình quân khoảng 4 m, đường kính khoảng 10 - 15 cm.
Tấp vào bìa sông, PV lội bộ vào 5 đùng, mỗi đùng đi gần 1 km, băng qua các vũng lầy đến tận đầu gối rồi men theo rìa đùng đi vào sâu bên trong, một cảnh tượng tan hoang hiện ra với những gốc rừng đước bị cắt nham nhở nằm trơ trọi, cành lá la liệt dưới đất, những bộ rễ chổng ngược lên trời như đang kêu cứu. Chưa hết, có những đoạn gốc và rễ cây đước đã chết vì bị chặt hạ lấy gỗ, không còn khả năng bám trụ khi thủy triều lên xuống nên đang bị cuốn trôi cùng với những lớp đất bùn tạo thành những hố sạt lở rất lớn.

Dân hết đường mưu sinh

Anh N.T.C (39 tuổi, ngụ xã Long Thọ, gia đình anh ở khu vực này gần 40 năm) cho biết khoảng 8 tháng qua, phía BQL rừng cho chặt hạ cây đước lấy gỗ rất nhiều, mấy ngàn mét khối gỗ chất đống dày đặc trên các mặt sông mà không thấy chuyển đi, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con quanh khu vực sông. Việc đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản gần đây của bà con thất bát cũng vì cây đước bị chặt hạ. Anh C. cho biết cây đước bình thường rất có ích cho việc bảo vệ đất như chống xói mòn, sạt lở và ngăn chặn gió khi có mưa bão. Do thân cây này rất cứng và bộ rễ to ăn sâu xuống lòng đất nên gió, bão khó có thể quật ngã được. Thế nhưng khi cây đước bị chặt hạ để lấy gỗ, cành, lá, rễ khi ngâm dưới nước lâu ngày sẽ thối rữa tạo thành dòng nước đục ngầu, đặc biệt chất độc từ vỏ, thân cây tiết ra làm các loài tôm, cá không sinh sống được…
“Gia đình tôi canh tác trên một đùng với diện tích hơn 5 ha thuộc xã Phước An. Cả gia đình gần 10 nhân khẩu mưu sinh bằng nghề nuôi tôm và đánh bắt tôm tự nhiên, tuy nhiên gần nửa năm nay không có thu nhập vì tôm không sống nổi”, anh C. buồn bã.
Còn anh L.V.H (42 tuổi ngụ xã Phước An) bức xúc khi gần đây BQL cho chặt cây đước với số lượng lớn, sau đó mang ra chất dọc hai bờ đùng mà cứ để mãi ở đó. Các hộ dân làm nghề đánh bắt như gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều đống cây chất dài cả mấy trăm mét nằm chiếm hết mặt sông không còn chỗ để thả lưới, đặt lờ. Anh H. cho biết thêm, trước kia mỗi ngày hai vợ chồng anh đi thả lưới cũng kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng, từ khi xuất hiện đống cây đước này thì không đánh bắt gì được.
“Người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi nhìn thấy vậy nhưng chẳng biết kêu ai, nên đành chịu”, anh H. bức xúc.
Rừng phòng hộ Long Thành có hơn 20 loài thú, hơn 100 loài chim, khoảng 30 loài bò sát và 9 loài lưỡng cư. Ba nhóm thủy sản chủ yếu của vùng là nhuyễn thể (36 loài), giáp xác (18 loài) và nhóm động vật phong phú nhất là cá (137 loài). Một số loài cá, tôm có giá trị kinh tế cao, cho thịt có chất lượng như: cá dứa, cá đối, cá ngát, cá mú đen... Vùng ngập mặn có các loại cây điển hình như: nấm, đước, dà...

(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.