Bắn 21 phát đại bác đón Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

12/11/2017 15:54 GMT+7

Lễ đón chính thức Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào lúc 16 giờ chiều nay 12.11, tại Phủ Chủ tịch, với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

Trước đó, lúc 15 giờ chiều nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới dự lễ khánh thành Cung hữu nghị và dự lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại đường Lê Quang Đạo, Hà Nội. Dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ khánh thành Cung hữu nghị Việt - Trung và Lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Ngọc Thắng
Lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, với các nghi lễ trọng thể nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, trong đó gồm nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng.
Phủ Chủ tịch chờ đón Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình Ngọc Thắng
Sau lễ đón, tại Văn phòng T.Ư Đảng, hai nhà lãnh đạo tham gia hội đàm và ký kết văn kiện. Thời gian hội đàm kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Sau lễ đón tại Phủ Chủ tịch, hai nhà lãnh đạo đi bộ sang Văn phòng TƯ Đảng để tiến hành hội đàm. Lưu Quang Phổ
18 giờ chiều nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ đến chào xã giao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 19 giờ 15 tối nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ cùng chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ lúc 3 giờ 50 phút, quân nhạc tiến vào lễ đài và màn hình đại bác chuẩn bị cho Lễ đón Ảnh Lưu Quang Phổ
Các em thiếu nhi đã có mặt tại Phủ Chủ tịch vẫy chào Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ đón chính thức Ảnh Lưu Quang Phổ
Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng tham quan triển lãm ảnh Trung Quốc trong con mắt nhiếp ảnh gia Việt Nam.
Sáng mai 13.11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mời Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng bữa sáng. Ông Tập Cận Bình sẽ đến đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội kiến và dự chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chiều cùng ngày, ông Tập Cận Bình rời Việt Nam, kết thúc chuyến thăm.
[VIDEO] Một số hình ảnh đón ông Tập Cận Bình tại Hà Nội
Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ VIệt - Trung thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên.
Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, nhà đầu tư lớn thứ 8 trên 122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Từ 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương từ mức 32 triệu USD năm 1991 lên mức 70,5 tỉ USD năm 2016, tăng gấp hơn 2200 lần. Năm 2016, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 55,23 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016, nhập siêu từ Trung Quốc 17,77 tỉ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ.
Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam; năm 2016 có 2,7 triệu lượt du khách Trung Quốc sang Việt Nam và khoảng 2,2 triệu lượt du khách Việt Nam sang Trung Quốc, đứng đầu trong số du khách ASEAN đi Trung Quốc; trong 8 tháng đầu năm 2017 có hơn 2,65 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 51,4% so với cùng kỳ.
Về biên giới lãnh thổ, Hai bên duy trì trao đổi về vấn đề Biển Đông trong các cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung và 3 nhóm công tác về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.