Sau khi Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra Giang hồ cưỡng chiếm đất công từ ngày 11.5.2020, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Cụ thể, ngày 15.5.2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu UBND TP.Phan Thiết kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại P.Mũi Né nói chung và tại các khu vực mà Báo Thanh Niên phản ánh qua loạt bài điều tra. Gần 1 tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận vào ngày 28.6.2018 để điều tra; đến ngày 6.8.2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết ra quyết định khởi tố bị can Trần Thị Ngọc Nữ (44 tuổi, tạm trú tại P.Mũi Né, TP.Phan Thiết) liên quan vụ gây rối trên.
Ngày 19.10.2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết ra quyết định “tạm đình chỉ điều tra bị can” đối với Nữ do thời hiệu điều tra đã hết. Đến ngày 30.10.2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết tiếp tục phục hồi điều tra vụ án này; sau đó khởi tố (cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú) Nữ về tội “gây rối trật tự công công cộng”.
Từng gọi giang hồ gây náo loạn
Ngoài vụ án đã khởi tố trên, một vụ việc nghiêm trọng khác có liên quan đến Nữ là vụ việc băng nhóm giang hồ ẩu đả tranh giành đất trong các ngày 22 - 23.9.2017. Theo đó, băng nhóm gồm hàng chục giang hồ, có hung khí được cho là do Nữ “kêu” từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến KP.Long Sơn (P.Mũi Né) để “giải quyết” tranh chấp đất đai với người dân địa phương. Vụ việc khiến cảnh sát khu vực P.Mũi Né phải nổ súng để vãn hồi trật tự, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết khi đó và lãnh đạo Công an TP.Phan Thiết phải ra hiện trường để giải quyết.
Sau khi Báo Thanh Niên “lật lại” vụ việc này, Cơ quan CSĐT mới tiến hành phục hồi xác minh theo hình thức “tin báo tố giác tội phạm”, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Làm rõ trách nhiệm liên đới của tổ chức, cá nhânNgày 25.2, trả lời PV Thanh Niên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết ông đã được báo cáo vụ việc này ngay sau khi phiên tòa xét xử Trần Thị Ngọc Nữ bị hoãn.
“Tỉnh quyết tâm xử lý thật nghiêm minh trước pháp luật. Không chỉ vụ án này mà các vụ việc liên quan đến lấn chiếm đất đai trước đây, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải làm chặt chẽ, đúng trình tự pháp luật”, ông An khẳng định và cho biết thêm, Tỉnh ủy chỉ đạo làm rõ các sai phạm này liên quan đến trách nhiệm một số cơ quan chức năng, trong đó có trách nhiệm của Sở TN-MT Bình Thuận.
|
Bất tuân lệnh xử phạt
Trần Thị Ngọc Nữ còn lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Cụ thể, ngày 11.1.2021, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Nữ về vi phạm lấn chiếm đất của nhà nước hàng chục ngàn mét vuông tại KP.Long Sơn (P.Mũi Né). Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn chưa ban hành quyết định xử phạt mà giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền tham mưu cho UBND tỉnh xử lý.
Cùng ngày 11.1, UBND TP.Phan Thiết ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nữ số tiền 25 triệu đồng về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, và hành vi chuyển đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp ở P.Mũi Né để xây dựng nhà ở mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hai quyết định xử phạt này đến nay vẫn chưa được Nữ thực hiện.
Có phát lệnh truy nã bị cáo Trần Thị Ngọc Nữ ?Phiên tòa của TAND TP.Phan Thiết vào ngày 24.2 xét xử vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận bất ngờ phải hoãn vì bị cáo duy nhất của vụ án (tính tới thời điểm đưa vụ án ra xét xử) là Trần Thị Ngọc Nữ không đến tòa theo lệnh triệu tập. Đáng nói, HĐXX, chính quyền địa phương “không biết bị cáo đi đâu”.
Liên quan vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM), căn cứ bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. “Theo luật, bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ trình báo cho địa phương về việc rời khỏi nơi cư trú và phải được sự cho phép của chính quyền địa phương. Do đó, khi bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền thông báo cơ quan tố tụng để bắt tạm giam bị can, bị cáo trở lại”, luật sư Cảnh nhấn mạnh.
Trường hợp không biết bị can, bị cáo ở đâu, theo luật sư Cảnh, cơ quan công an sẽ phải truy nã đối với bị can, bị cáo. Sau thời gian 2 tháng truy nã, vẫn không thấy bị can, bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xét xử vắng mặt bị cáo.
Quế Hà - Phan Thương
|
Bình luận (0)