Bao giờ sông Mã thôi bị đầu độc?: Xem xét trách nhiệm hình sự doanh nghiệp xả thải trái phép

27/04/2021 05:42 GMT+7

Ngành công an và tư pháp tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa việc có hay không xử lý trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp có hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm sông Mã.

Ngành công an và tư pháp tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét, đưa ra ý kiến để tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa việc có hay không xử lý trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp có hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm sông Mã.
Liên quan đến “thảm họa môi trường” trên sông Mã, đoạn qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) gây thiệt hại không nhỏ đối với hàng ngàn người dân và hệ sinh thái của khoảng 80 km sông Mã, UBND tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các bước để xử lý vi phạm của các doanh nghiệp (DN).

Tiếng kêu cứu từ sông Mã: Dân kiệt sức vì cá bỗng nhiên chết hàng loạt

Đồng loạt đề nghị dừng hoạt động sản xuất giấy

Sông Mã bị ô nhiễm hơn 1 tháng qua (tính từ ngày 15.3). Bước đầu Sở TN-MT Thanh Hóa xác định có nguyên nhân từ quá trình xả thải trái phép của các công ty sản xuất giấy, vàng mã mà H.Bá Thước và H.Quan Hóa phát hiện được (H.Bá Thước phát hiện 3 công ty; H.Quan Hóa phát hiện 6 công ty và hợp tác xã). Hành vi của các DN là vi phạm nghiêm trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời gian dài, do đó không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và việc làm thế nào để đảm bảo môi trường bền vững cho sông Mã.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi phát hiện nhiều DN chôn đường ống ngầm, xả thải trái phép ra sông Mã, các huyện Bá Thước và Quan Hóa đều đã có báo cáo và đề nghị dừng hoạt động, hoặc rút giấy phép hoạt động sản xuất giấy, vàng mã đối với các DN vi phạm.
Cụ thể, UBND H.Bá Thước đã có văn bản chính thức đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu về việc xử lý hành vi vi phạm của các đơn vị xả nước thải trái phép ra sông Mã; đồng thời yêu cầu các công ty vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng có cá chết. Về lâu dài, UBND H.Bá Thước kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cho dừng hoạt động và thu hồi giấy phép đối với hoạt động sản xuất giấy (các hoạt động sản xuất khác vẫn diễn ra bình thường - PV) của các công ty, gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty TNHH sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn (đều ở xã Thiết Kế, H.Bá Thước), và Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (ở TT.Cành Nàng, H.Bá Thước).
Đối với H.Quan Hóa, huyện này sau khi phát hiện 6 DN, hợp tác xã có hành vi vi phạm chôn đường ống ngầm xả thải trái phép ra sông Mã, đã yêu cầu tất cả phải phá hủy, đào bỏ hoặc đổ bê tông tươi vào các đường ống chôn trái phép để ngăn chặn việc tiếp tục xả thải. UBND H.Quan Hóa cũng đã đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các DN sản xuất giấy, ngâm ủ bột giấy không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết quan điểm của huyện là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; không thể tiếp tục để tình trạng DN xả thải trái phép ra sông Mã, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính lại tiếp tục vi phạm.
Bao giờ sông Mã thôi bị đầu độc?: Xem xét trách nhiệm hình sự doanh nghiệp xả thải trái phép1

Quá trình sản xuất giấy, vàng mã sử dụng rất nhiều hóa chất độc hại, khi xả ra môi trường sẽ rất nguy hại

ẢNH: MINH HẢI

Về vấn đề gần 30 tấn cá lồng của người dân H.Bá Thước chết do sông Mã ô nhiễm, ông Khoa cho hay: “Quan điểm của chúng tôi là ai gây ra hậu quả thì phải khắc phục hậu quả. Chúng tôi đã làm việc với các chủ DN, họ cũng đồng ý sẽ bồi thường thiệt hại cho người dân có cá lồng chết, nhưng chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo, kết luận của UBND tỉnh để triển khai việc này”.

Trách nhiệm là của nhiều ngành, nhiều cấp

Ngày 26.4, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau khi các huyện có báo cáo về công tác kiểm tra các DN sản xuất giấy, vàng mã, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở TN-MT chủ trì, cùng với các đơn vị liên quan để tham mưu UBND tỉnh về cách giải quyết. “Bước đầu, các đơn vị đã tham mưu và UBND tỉnh đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất giấy, vàng mã đối với Công ty TNHH Tân Thái Thanh (ở xã Thiết Kế, H.Bá Thước), các đơn vị vi phạm còn lại đang tiếp tục xem xét”.
Khi được hỏi về góc độ xử lý trách nhiệm hình sự đối với các DN có hành vi xả thải gây ô nhiễm sông Mã, ông Giang cho biết các đơn vị liên quan đang tham mưu, xem xét từng trường hợp cụ thể. “Họ đang tham mưu từng đơn vị cụ thể đến mức độ nào thì xử lý mức độ đó. Tỉnh cũng đã giao Công an tỉnh Thanh Hóa, Sở Tư pháp Thanh Hóa xem xét và tập hợp ý kiến của những đơn vị này để xem xét về góc độ hình sự”, ông Giang cho hay.
Để sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng và kéo dài, ông Giang cho rằng trách nhiệm là của nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền các địa phương, nơi phát hiện các DN có hành vi chôn đường ống ngầm xả thải trái phép ra sông Mã. Riêng về thiệt hại của người dân nuôi cá lồng, ông Giang cho hay sau khi xem xét, nếu đủ căn cứ pháp lý, sẽ yêu cầu các DN vi phạm bồi thường cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.