Nơi nào cũng thiếu
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết ngày nào cũng có trên dưới 500 người đến khám bệnh. Các y, bác sĩ ở đây hoạt động hết công suất. Theo Bác sĩ Viễn, hiện số bác sĩ các chuyên khoa còn thiếu hơn 10 người.
Cả tỉnh Quảng Ngãi hiện có trên 800 bác sĩ, chỉ đáp ứng đủ cho các BV tuyến tỉnh; còn tuyến huyện, nhất là miền núi thì thiếu hụt khá nhiều. Tại các TTYT miền núi Quảng Ngãi, hiện chỉ có từ 11 - 15 bác sĩ/trung tâm, chưa đáp ứng việc khám chữa bệnh (KCB). Nơi khám và điều trị bệnh thuộc diện ít như H.Tây Trà và H.Sơn Tây, mỗi ngày cũng KCB 150 bệnh nhân; còn như H.Ba Tơ và H.Trà Bồng mỗi ngày có từ 250 - 300 bệnh nhân. Trong đó, TTYT H.Trà Bồng hiện có 11 bác sĩ, nếu tính theo tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thì trung tâm này chỉ đáp ứng được 1/3 so với bình quân cả nước (đạt 8 bác sĩ/vạn dân). Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, các TTYT 6 huyện miền núi của tỉnh này nơi nào cũng thiếu bác sĩ.
Lương bác sĩ mới ra trường khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, trong khi họ phải học ít nhất khoảng 7 năm. Mức lương này thấp hơn cả lương lao động phổ thông, thấp hơn cả nhân công phụ hồBà Nguyễn Thị Nam, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, BVĐK H.Đăk Hà (Kon Tum) |
BV Đặng Thùy Trâm, H.Đức Phổ, dù đang phấn đấu lên BV hạng 2 nhưng hiện chỉ có 45 BS, thiếu quá nhiều để triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Điển hình như khoa sản của BV này, do thiếu bác sĩ nên chưa thể triển khai kỹ thuật mổ nội soi các bệnh sản phụ khoa. Khoa mắt và khoa tai - mũi - họng, mỗi khoa chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa (trong đó có 1 người làm công tác quản lý), nên hôm nào bác sĩ đi công tác thì khoa tạm ngưng, không nhận bệnh nhân.
|
Ở huyện miền núi Ba Tơ chỉ có 15 bác sĩ. Nếu các bác sĩ đi công tác, đi học nâng cao thì các bác sĩ còn lại làm việc như chong chóng để phục vụ khoảng 300 bệnh nhân/ngày. Vì thiếu bác sĩ nên TTYT H.Ba Tơ chỉ triển khai được 75% các danh mục kỹ thuật quy định tương đương BV hạng 3.
Tại tỉnh Phú Yên, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh này đang thiếu hụt bác sĩ trầm trọng. Năm 1989, tỉnh Phú Yên có 1,8 bác sĩ/vạn dân. 10 năm sau, Phú Yên đã có hơn 4,6 bác sĩvạn dân, nhưng 10 năm sau nữa thì Phú Yên chỉ tăng thêm 0,1 bác sĩ/vạn dân. Đến 2014, Phú Yên cũng chỉ đạt ở mức 4,8 bác sĩ/vạn dân. Bác sĩ Ngọc nói: “Phú Yên đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Trong khi không tuyển mới được, bác sĩ đang công tác lại xin nghỉ nhiều gây khủng hoảng thiếu bác sĩ”.
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc BV đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Yên, cho biết BV có 126 BS với chỉ tiêu 600 giường bệnh. Nhưng thực tế điều trị tại BV phải kê thêm hơn 300 giường nên gây áp lực lên bác sĩ. Trong năm 2019, BV được tuyển dụng 21 bác sĩ nhưng hiện mới chỉ có 6 bác sĩ về công tác. Để khắc phục, những BS về hưu nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì BV sẽ tiếp tục ký hợp đồng.
Tại Bình Định, theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, tỉnh này thiếu BS từ nhiều năm nay. Hiện Bình Định có khoảng 942 bác sĩ đang công tác, đạt tỷ lệ 6,1 bác sĩ/vạn dân. Bình Định đang cần thêm khoảng 300 bác sĩ nữa. Các BV tuyến huyện ở khu vực đồng bằng và các BV chuyên khoa như: lao, tâm thần... đều thiếu bác sĩ.
Bỏ việc vì lương... bèo
Ở tỉnh Kon Tum đang xảy ra tình trạng các bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập ồ ạt bỏ việc để đến các thành phố lớn. Theo thống kê của Sở Y tế Kon Tum, từ năm 2010 đến nay, tỉnh có 67 bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác đi nơi khác, khiến toàn tỉnh thiếu hơn 100 bác sĩ. Trong đó các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất tỉnh. Cụ thể, tại H.Đăk Hà chỉ có 3,75 bác sĩ/vạn dân, H.Đăk Tô 5,58 bác sĩ/vạn dân, H.Kon Rẫy 5,6 bác sĩ/vạn dân.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BVĐK H.Đăk Tô (Kon Tum), BV này có 175 giường bệnh, cần có 235 y, bác sĩ nhưng chỉ có 174 y, bác sĩ, thiếu 67 người. Theo ông Khoa, do UBND tỉnh Kon Tum chỉ cho 174 biên chế nên tuyển thêm thì không có kinh phí để trả lương.
Bà Nguyễn Thị Nam, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BVĐK H.Đăk Hà, cho biết: Toàn huyện có 30 bác sĩ, trong khi dân số của huyện là hơn 80.000 người, chỉ đạt 3,75 bác sĩ/vạn dân, rất thấp. Do thiếu bác sĩ, nên vẫn phải đưa bác sĩ khoa này đi trực ở khoa khác, hỗ trợ qua lại. Hiện khoa khám bệnh và khoa cấp cứu của BV này đang là khoa ghép, chưa thể tách khoa do thiếu nhân lực.
Theo bà Nam, vừa qua tại BV có 2 bác sĩ bỏ việc. BV đang tuyển thêm bác sĩ mới ra trường. Tuy nhiên do một số nguyên nhân như thu nhập thấp nên bác sĩ mới ra trường chọn những BV ở các thành phố lớn. Bà Nam cho hay: “Lương bác sĩ mới ra trường khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, trong khi họ phải học ít nhất khoảng 7 năm. Mức lương này thấp hơn cả lương lao động phổ thông, thấp hơn cả nhân công phụ hồ”.
Theo ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BV H.Kon Rẫy, từ năm 2010 đến nay có 13 BS tại bác sĩ bỏ việc vì lương thấp. “Lương bác sĩ công tác từ 1 - 3 năm là 5 - 6 triệu đồng/tháng, từ 3 - 5 năm là 7 - 8 triệu đồng/tháng”, ông Giang cho biết.
BS Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX.An Nhơn (Bình Định), cho biết hiện TTYT TX.An Nhơn có 37 bác sĩ tại BV và 14 bác sĩ ở các trạm y tế xã, còn thiếu 12 bác sĩ. “BV của chúng tôi có tổng cộng 160 giường nhưng số bệnh nhân thực tế thường xuyên ở mức 300 - 350 người, chưa kể BN ngoại trú khoảng 900 - 1.000 lượt khám/ngày. Nhu cầu KCB của nhân dân ngày càng tăng mà bác sĩ nhiều năm nay lại không chịu về tuyến huyện, thậm chí bác sĩ tại BV lại bỏ đi nơi khác làm việc, có người nghỉ hưu... Chúng tôi đăng ký với Sở Y tế tuyển thêm 12 bác sĩ, nhưng mấy năm qua vẫn chưa có ai chịu về”, BS Bình nói.
Theo bác sĩ Lê Thái Bình, một bác sĩ mới ra trường về công tác tại đơn vị sẽ được hưởng mức lương cơ bản theo quy định khoảng 3.486.600 đồng (hệ số lương 2,34) và nhận thêm 40% phụ cấp ngành là 4.881.240 đồng. Như vậy, bác sĩ ra trường về tuyến huyện sẽ nhận lương hơn 8,3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các BV tư ở thành phố sẵn sàng trả mức lương cho bác sĩ mới ra trường hơn 15 triệu đồng/tháng, cộng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác về phụ cấp, cơ hội học tập nâng cao tay nghề...
Tại Gia Lai, hầu hết các BV đều rơi vào tình trạng thiếu BS. Với mức lương cho BS mới ra trường về công tác trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ rất khó thu hút được nhân lực. Ngoài ra, điều kiện làm thêm để tăng thu nhập đối với bác sĩ mới ra trường ở tỉnh hạn chế so với các thành phố lớn. BVĐK tỉnh Gia Lai quy mô 800 giường bệnh, bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 800 lượt BN, trong đó có khoảng 100 BN nhập viện/ngày. Hiện BV chỉ có trên 160 bác sĩ nên các khoa như nội, ngoại, phòng khám luôn quá tải. Từ năm 2017 đến nay, Gia Lai có 44 bác sĩ xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có 22 bác sĩ có trình độ chuyên môn sau ĐH. Theo tỷ lệ dân số, Gia Lai cần đến 1.200 BS nhưng hiện chỉ có 882 bác sĩ.
Theo ông Nguyễn Minh Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế Kon Tum: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ là do chế độ đãi ngộ thấp, chưa có chính sách thu hút cán bộ ngành y có trình độ về làm việc. Bên cạnh đó, một số BS bỏ việc vào các thành phố lớn tìm việc”.
Sẽ phối hợp thực hiện chế độ tuyển dụng đặc thùChiều qua 31.7, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu hụt bác sĩ, các địa phương cần có đầy đủ số lượng, nhu cầu bác sĩ của từng chuyên khoa để có các chính sách phù hợp.
Nhưng quan trọng, các địa phương cần có chính sách thu hút đãi ngộ để bác sĩ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài. Trước đây đã có nhiều tỉnh thành làm tốt nhưng cũng có địa phương từng làm tốt rồi lại dừng thực hiện.
Trước mắt, giải pháp ngắn hạn đã được Bộ Y tế triển khai như: chương trình đưa bác sĩ trẻ về các huyện nghèo; chương trình 1816 chuyển giao kỹ thuật, đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới công tác...
Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ cùng xem xét có thể thực hiện chế độ tuyển dụng các sinh viên một số địa phương được tuyển vào một số trường dưới mức điểm trúng tuyển để có cơ hội học và về lại địa phương công tác.
Liên Châu
|
Bình luận (0)