Lăng kính Bạn đọc: 'Choáng' với giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày !

31/07/2019 08:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng mức giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu lên đến 4 triệu đồng/ngày là quá cao, còn đắt hơn cả khách sạn.

Thông tin Bộ Y tế đang rà soát lần cuối trước khi chính thức ban hành quy định về tiêu chuẩn và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công được đông đảo bạn đọc quan tâm; đặc biệt nhiều bạn đọc đã "choáng" khi biết giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu có loại lên đến 4 triệu đồng/ngày!
Theo Bộ Y tế, đây sẽ là lần đầu tiên Bộ ban hành quy định này để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu trong bệnh viện (BV) công đúng với chất lượng cung cấp. Mặt bằng giá được ban hành có tham khảo các BV tư và cả giá quốc tế, từ đó đưa ra giá trần. Các BV có thể tự ban hành giá nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.

Giá giường BV còn đắt hơn khách sạn !

“Phải đầu tư, xây dựng, trang thiết bị, bác sĩ tại khu điều trị theo yêu cầu riêng ra, vốn có thể xã hội hóa. Chứ nếu lấy hạ tầng và con người ăn lương nhà nước đi phục vụ người giàu thì không đúng”.

Chiến Yên Châu (Sơn La)

Cụ thể, với BV hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh không quá 500.000 đồng/lần khám; BV hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám. Giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, có các mức từ 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường - 3 giường - 2 giường/phòng. Các cơ sở y tế khác tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với mức giá giường từ 900.000 - 3 triệu đồng/ngày.
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng mức giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu lên đến 4 triệu đồng/ngày là quá cao, còn đắt hơn cả khách sạn. BĐ Nguyen Quoc Truong (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Nếu giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày thì cán bộ công chức loại nào đủ tiền để thanh toán trong 5 ngày giường bệnh?”. BĐ Nguyen (TP.HCM) cũng thắc mắc: “Không rõ tiêu chuẩn giường bệnh theo đó sẽ như thế nào nhưng nhìn vào giá thì thấy khủng hơn cả khách sạn”.
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Văn Làm (TP.HCM) cho rằng vấn đề ở chỗ phải có nhiều loại giường khác nhau với số lượng đảm bảo để phục vụ cho các đối tượng khác nhau. Chứ trong bối cảnh BV quá tải như hiện nay, lỡ phải nhập viện mà nói hết giường rồi, chỉ còn giường 4 triệu thôi, thì người nghèo “bó tay” rồi.

Cần “công - tư phân minh”

“Tôi ủng hộ đề xuất này. Thu phí cao trong phòng dịch vụ rồi sử dụng nó để hỗ trợ cải thiện dịch vụ thông thường. Tương tự như đánh thuế người giàu và người nghèo được hưởng phúc lợi”.

Hoàng Hương (Hà Nội)

BĐ Bình Ngô (TP.HCM) bày tỏ: “Tôi hoàn toàn không đồng ý việc mở phòng dịch vụ để kinh doanh tại BV công. Lý do: Khi còn rất nhiều bệnh nhân nghèo phải nằm chen chúc ngoài hành lang thì lại có những phòng chỉ có 1 người nằm”. Theo BĐ này, làm như vậy là không công bằng, tại BV công (xây dựng bằng tiền thuế của người dân) không thể phân biệt đối xử, phân chia giàu nghèo, mà mọi công dân phải được đối xử công bằng như nhau. Đồng tình với ý kiến này, BĐ Son Le (Đồng Nai) đề nghị: “Nên thành lập hai hệ thống BV công - tư song song để người giàu người nghèo đều được chăm sóc”.
Cùng quan điểm, BĐ Thọ (TP.HCM) cũng cho rằng không nên lồng ghép chung công - tư trong BV công. “Công là công, tư là tư. Cùng lúc 2 người bệnh nhập viện, người trả 4 triệu đồng khám trước và được nằm giường tốt, còn người nghèo phải chen chúc chờ đợi sao? BV công thì đất đai, thiết bị đầu tư từ tiền thuế của dân, cho nên phải phục vụ nhân dân nói chung và tạo an sinh xã hội cho người nghèo”, BĐ này viết.

“Giá cao ngất như này thì mình cầu trời cầu đất cho đừng bao giờ bệnh vì làm gì có tiền mà trả!”.

Han Trang (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.