Thêm 3 bị cáo xin lỗi gia đình nạn nhân
Ngày 8.9, phiên xét xử sơ thẩm 29 bị cáo tại xã Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) về tội giết người và chống người thi hành công vụ bước vào ngày thứ 2, tập trung vào phần xét hỏi các bị cáo.
Phần xét hỏi sáng nay tập trung vào nhóm bị cáo có vai trò thấp hơn, 5 bị cáo được xác định là nhóm “chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội” gồm: Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi), và Lê Đình Chức (40 tuổi) đã khai báo ngày hôm qua.
Tại phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận đã nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm do thiếu hiểu biết, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Một số bị cáo không đồng tình với một số nội dung trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Một số bị cáo như Trần Thị La, Trần Thị Phượng...bày tỏ hối hận, xin lỗi gia đình các cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh...
“Mặc dù bị cáo không gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ nhưng bị cáo cũng thành thật chia buồn và xin lỗi 3 gia đình”, bị cáo Trần Thị Phượng nói tại tòa.
|
Trong giờ giải lao, Chủ tọa phiên tòa đã cho phép các luật sư tiếp xúc với bị cáo dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ. Các luật sư muốn tiếp cận tài liệu vụ án cũng được giải quyết vào trưa nay.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu mong "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại"
Sau giờ giải lao, bị cáo Bùi Viết Hiểu xin có ý kiến thêm. Bị cáo “xin lỗi chủ tọa phiên tòa, chiều qua bị cáo đã phát biểu nguồn gốc đất từ 1981 là quá lạc hậu, vì từ 1990 đến giờ chính sách đất đai đã thay đổi nhiều, bị cáo không hề biết, vì vậy bị cáo muốn thành thật xin lỗi chủ tọa phiên tòa.
Trước tòa, bị cáo này đã thấy hành vi và lời nói của bị cáo là sai, không theo kịp tình hình nên không nắm được thay đổi của đất đai. Mong chủ tọa phiên tòa “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cũng xin nói thêm chia buồn với gia đình những cán bộ, chiến sĩ đã bị thiệt mạng. “Thưa quý tòa và các gia đình, trong thời gian giam giữ, bị cáo đã ngày đêm ăn năn hối cải, sám hối, thành tâm mong linh hồn các nạn nhân sớm được siêu thoát”, bị cáo Tiến nói và cúi đầu về hướng gia đình nạn nhân xin lỗi.
Cuối phiên buổi sáng, luật sư Hà Huy Sơn (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo Bùi Viết Hiểu, Bùi Thị Nối và Trần Thị Phượng) hỏi bị cáo Bùi Viết Hiểu về những gì bị cáo chứng kiến hôm 9.1, bị cáo Hiểu cho biết sáng đó bị cáo ngồi cùng ông Lê Đình Kình trong phòng ngủ của ông Kình (rộng 7,2 m2), chỉ nghe ông Kình bảo: “Tôi với ông cứ ngồi ở đây, tụi nó không dám vào đây đâu”.
Bị cáo Hiểu cũng cho biết ông Lê Đình Kình không đứng được, nên phải dựa vào tường, trên tay có cầm một cái “chợp” cá (giống như đinh ba đâm cá).
Tại phiên xét xử sáng nay, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn mời đại diện UBND xã Đồng Tâm, nhưng đại diện này không có mặt.
Tại tòa, đại diện hợp pháp của người bị hại là chị Phạm Thị Lộc (vợ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh), ông Phạm Công Lâm (cha Đại úy Phạm Công Huy) và mẹ của Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân đều không có yêu cầu gì cụ thể về bồi thường, mong tòa án xử đúng người, đúng tội và yêu cầu đền bù đúng theo quy định của pháp luật.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Quân nhận hành vi ném 3 chai bom xăng và 1 quả pháo hoa xuống đường (phía trước cửa nhà ông Lê Đình Kình).
Bị cáo Lê Đình Quang thừa nhận có hành vi ném đá vào lực lượng chức năng, có góp mấy trăm nghìn mua lựu đạn, nhưng không tham gia “tổ Đồng Thuận”, không livestream trực tiếp.
Bị cáo Bùi Thị Đục thừa nhận có làm bom xăng, có làm bùi nhùi, có bê gạch đá lên trần nhà ông Lê Đình Kình tối 8.1. Hành vi vi phạm do “không có học nên thiếu hiểu biết pháp luật, xin HĐXX và pháp luật xem xét và tha thứ”.
Bị cáo Nguyễn Thị Bét thừa nhận có “quấn 4 cái giẻ” (bùi nhùi), nhận thức “hành vi đến nhà ông Kình (tối 8.1 - PV) là có sai”, và “đề nghị nhà nước và pháp luật khoan hồng cho em vì em không có hành vi gì tội lỗi”. Bị cáo này trình bày không tham gia “tổ Đồng Thuận”, và có góp 50.000 đồng để “đi trình Chính phủ” (tạm hiểu là gửi đơn khiếu kiện - PV).
Bị cáo Trần Thị La thừa nhận có tham gia làm “mấy cái” bom xăng và rạng sáng 9.1 có giúp bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) xách 1 xô nước lên tầng vì thấy bà già bê nặng.
Bị cáo này khóc, cho biết bản thân vi phạm do không hiểu biết pháp luật, mong tòa cho bị cáo về nuôi con, vì bị cáo đơn thân nuôi con. Bị cáo La cũng xin có lời với gia đình các bị hại, cho biết “bị cáo có sai với gia đình bị hại thì cho bị cáo nói một lời xin lỗi với chia buồn”.
Bị cáo Nguyễn Thị Lụa cho biết mình yếu, thấp khớp nên không bê gạch đá, không làm bom xăng, có mặt ở nhà ông Kình tối 8.1 và rạng sáng 9.1 vì “ra đấy muộn quá đóng cửa không về được”.
Bị cáo Bùi Văn Tiến thừa nhận có góp 1 triệu đồng mua lựu đạn. Tối mùng 8.1, bị cáo đang ở nhà ông Kình, thấy Lê Đình Công bảo “có thể lực lượng chức năng về đàn áp nhân dân ta, mời bà con cố gắng ở lại”, nên ở lại và nằm ở phòng khách xem bóng đá (giải U23 châu Á).
Bị cáo Tiến cho biết có cầm 2 chai bom xăng để ném xuống nhưng chỉ ném 1 chai, vì thấy mảnh chai rơi xuống dưới nghĩ ném không khéo thì cháy nhà, nên không ném nữa.
Bị cáo Nguyễn Văn Duệ chỉ thừa nhận ném 1 chai bom xăng, bị cáo Lê Đình Công có đưa cho bị cáo 1 quả lựu đạn, nhưng bị cáo đút vào túi áo chứ không sử dụng.
Bị cáo Lê Đình Quân nhận mình có đánh kẻng báo động dân làng và ném 2 quả bom xăng xuống đường.
Bị cáo Bùi Văn Niên nhận đêm đó ngồi ở nhà Lê Đình Chức, khi thấy báo động thì bò sang nhà ông Lê Đình Kình gõ kẻng, rồi bị khói cay nên cùng Nguyễn Văn Tuyển vào buồng ngồi cho đến khi lực lượng công an vào bắt.
Bị cáo Bùi Văn Tuấn thừa nhận có ném 2 quả bom xăng, mong hưởng khoan hồng.
Không nghe rõ lời khai của bị cáo Trịnh Văn Hải.
Bị cáo Nguyễn Văn Điều cho biết bị cáo “không tham gia một cái gì cả” mà “nhỡ chân bị cáo đến đấy (nhà ông Lê Đình Kình) nên có mặt ở đấy, bị cáo xin nhận lầm lỗi”.
Theo bị cáo này, bản thân đi chiến trường bị chấn thương sọ não lại bị gút, bị nặng tai nên không làm gì được. (trước tòa, thẩm phán cũng phải nói to, hỏi nhiều lần bị cáo mới nghe thấy).
Bị cáo Mai Thị Phần cho biết tối đó mình không ở hiện tường nên không làm gì, bị cáo có góp 2 triệu đồng, nhưng là tiền của nhiều người, bản thân bị cáo chỉ có 500.000 đồng vì “ông Kình bảo chúng em đất là của mình, cố gắng giữ thì chia đất cho”, nếu không nộp tiền thì không được chia đất.
Bị cáo Đào Thị Kim (vợ bị cáo Bùi Văn Tiến) cho biết chỉ cho chồng vay 1 triệu, nhưng không biết đó là góp tiền mua lựu đạn; có giúp chồng mua xăng (20 lít) về chế tạo bom xăng.
Bị cáo Lê Thị Loan cho biết cáo trạng buộc bị cáo tội giết người, nhưng bị cáo thấy là cha bị cáo là đứng lên cầm súng bảo vệ quê hương, đã hi sinh bỏ xương bỏ xác chiến trường bây giờ chưa mang về được, nên bị cáo không bao giờ nghĩ đến chuyện giết người.
Bị cáo Loan có đưa cho Nguyễn Văn Tuyển 1 triệu, nhưng cho rằng mình không biết đó là tiền mua lựu đạn.
Bị cáo Nguyễn Văn Trung (con bị cáo Bùi Thị Đục) có mặt ở nhà ông Lê Đình Kình tối đó với lý do “đi tìm mẹ”, đến khi công an về thì bị cáo sợ nên bỏ chạy.
Bị cáo Lê Đình Hiển khai có chở bị cáo Bùi Viết Tiến và khi gặp lực lượng chức năng chốt chặn thì có chửi bậy “cửa miệng”, chứ không mang theo hung khí gì chống người thi hành công vụ.
Bị cáo Bùi Viết Tiến (20 tuổi), thừa nhận khi thấy Hiển bị lực lượng chức năng bắt có rút dao ra chống người thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung thừa nhận mình có lăng mạ chửi bới người thi hành công vụ là sai.
Bị cáo Trần Thị Phượng cho biết sáng 9.1, khi thấy ồn ào, mọi người hô hào thì có hô hào theo, nhận thức hành vi sai trái, mong được giảm nhẹ hình phạt để về nuôi con vì khi bị bắt con bị cáo mới 16 tháng tuổi. Hiện nay 3 con bị cáo không biết ai nuôi.
“Mặc dù bị cáo không gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ nhưng bị cáo cũng thành thật chia buồn và xin lỗi 3 gia đình”, bị cáo Phượng nói tại tòa.
|
Bình luận (0)