'Biệt đội' chống rác thải ở Đà Nẵng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/10/2019 09:00 GMT+7

Đà Nẵng có một 'biệt đội' chống rác thải nổi tiếng hiệu quả...

Theo bước chân người đàn ông đã ngoài lục tuần đi nhặt rác, hàng chục em nhỏ tại một khu dân cư ở TP.Đà Nẵng đã lập nên một "biệt đội" chống rác thải nổi tiếng hiệu quả tại Đà Nẵng.

Phải có trách nhiệm với… bãi rác

Bí thư chi bộ khu dân cư Bình Phước (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu) Phạm Công Lương bắt đầu câu chuyện bằng vấn đề thời sự nóng hổi về bãi rác Khánh Sơn đang quá tải. “Người dân chặn xe vài ngày là TP khủng hoảng rác thải, trong khi vẫn chưa có giải pháp bền vững. Tôi nghĩ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường không riêng gì trách nhiệm của công ty môi trường mà đó là trách nhiệm chính của mỗi cá nhân. Vì xanh, sạch, đẹp thì mỗi người dân được hưởng trước”, nhấp ngụm chè xanh, người đàn ông quê gốc Nghệ An trải lòng.
Bởi chính suy nghĩ phải có trách nhiệm với... bãi rác duy nhất của TP.Đà Nẵng bằng cách san sẻ lượng rác về bãi, từ nhiều năm qua, ông Lương trở thành người nhặt rác không công ở khu phố.
Là cựu binh từng công tác trong lực lượng hải quân, tham gia chiến trường Campuchia, đến khi về làm công tác mặt trận tại P.Thuận Phước, “chất lính” luôn thôi thúc ông nghĩ cách để xây dựng khu phố sạch đẹp hơn... Hồi đầu, bà con khu phố rất ngạc nhiên khi thấy ông cán bộ phường đi đâu cũng lận lưng một bao tải. Sau, họ mới biết ông đang gom rác tài nguyên. Đoạn đường từ nhà đến cơ quan, cứ đi một đoạn thấy chai lọ là ông phanh xe để nhặt, đi đoạn thấy giấy vương vãi ông dừng để gom... Sáng ra đi tập thể dục, ông Lương cũng tranh thủ nhặt rác. Khi đi chỉ một bao tải cầm tay, thế mà về đến nhà lại vác một bao to lỉnh kỉnh chai lọ.
'Biệt đội' chống rác thải1

“Cha đẻ” của CLB Môi trường nhí Bình Phước tại Đà Nẵng, ông Phạm Công Lương

Ảnh: Hoàng Sơn

Nhớ về buổi đầu phát động phong trào nhặt rác, ông bí thư chi bộ đã làm bài thơ tuyên truyền Nhặt rác tài nguyên với những câu: “Ta đi nhặt rác tài nguyên/Có người lại bảo ta điên ta khùng…” như để kể về những ngày đầu gian nan với lời đàm tiếu. Không bảo “điên khùng” sao được, khi mà căn nhà mặt phố vốn chật hẹp ông lại dành một khu để… chứa rác. “Thứ người ta bỏ đi thì mình nhặt về, chất đống ở đấy. Người ta bảo mình khùng cũng phải bởi ngoài đường không ô nhiễm thì nhà mình lại đầy rác”, ông Lương tiếp lời. Mãi sau này, thấm thía nghĩa cử từ việc nhặt rác tài nguyên của ông, nhiều người mới có cái nhìn trân trọng hơn. Số rác nhặt được, ông đem bán lấy tiền ủng hộ quỹ từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, tàn tật trong khu phố…
Ông đọc tiếp bài thơ:“Trẻ em cho đến cụ già/Vỏ lon, chai nhựa... phân “Ba e rờ” (3R, phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải - PV)/An sinh xã hội, trẻ thơ/Chăm lo chút ít bây giờ chung tay”. Ông vui vì chuyện nhặt rác của mình có tác động ít nhiều đến ý thức người xung quanh. Có chị bán bún gom được ít rác cũng cất công chở tới, có cụ già sáng ra thể dục nhặt nhạnh thanh sắt mang về cho ông... “Có bữa liu riu giấc trưa, có cháu đến gọi cửa. Thế là tôi vùng dậy, ra “nhận” rác. Ý thức bảo vệ môi trường đã bắt đầu ngấm vào những mầm non…”, ông Lương phấn khởi.

Đội banh “giải cứu” môi trường

'Biệt đội' chống rác thải2

Các thành viên CLB Môi trường nhí tại Đà Nẵng vừa thu gom rác vừa giúp các cô chú lao công sau đêm thi pháo hoa

Ảnh: S.X

Trung thu vừa qua có lẽ là cái tết thiếu nhi đặc biệt đối với nhiều em nhỏ trong CLB Môi trường nhí khu dân cư Bình Phước. Bởi lẽ nguồn quỹ tổ chức sự kiện đều do chính tay các em góp nên từ những buổi đẩy xe đi gom rác trong khu phố. Ông Lương chính là “cha đẻ” của CLB này. “Gốc rễ của việc xả rác hay nhặt rác cũng chính là ở ý thức. Mỗi người nếu xây dựng ý thức bảo vệ môi trường từ bé thì tương lai sẽ ngăn chặn được ô nhiễm”, ông “triết lý” khi bắt tay xây dựng CLB.
Để tác động đến ý thức của trẻ thơ, ông bảo không cách nào tốt bằng việc phải hòa nhập với các cháu. Mỗi mùa hè, ông thấy trẻ em khu phố cắm mặt vào điện thoại để chơi game. Vậy cách gì để lôi kéo các em ra ngoài, tham gia những hoạt động vì cộng đồng? Trả lời câu hỏi này, ông nghĩ cách lập đội bóng đá thiếu nhi. Ông lại gây tò mò cho mọi người xung quanh bởi hình ảnh ông già đầu 2 thứ tóc cứ chiều chiều banh bóng với mấy đứa con nít. Ông không vội lý giải làm gì. “Đá banh thì phải thuê sân. Thuê sân thì phải tốn tiền. Để có tiền nuôi đam mê bóng đá thì phải làm gì? Tôi vừa hỏi các cháu vừa chỉ vào... đống rác. Nhặt rác tài nguyên đem bán, vừa sạch phố vừa không phải xin tiền”, ông Lương nhớ lại.
Đầu năm 2018, ông Lương lập CLB Môi trường nhí. Cứ cuối tuần, ông đẩy chiếc xe tự chế với 3 hộc rác gồm chai lọ, kim loại và giấy đi khắp khu phố. Đi theo ông là gần chục em nhỏ mặc đồng phục xanh lá cây. Thấy hình ảnh quá đỗi dễ thương, người lớn cứ thế mang rác ra, phân loại rồi để ngăn nắp vào các hộc. Các em nói lời cảm ơn rồi cùng ông Lương đẩy chiếc xe sang khu vực khác. Năm 2018, đội banh của khu phố Bình Phước đã gom hàng tấn rác tài nguyên đem bán. Số tiền thu về lên đến 30 triệu đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2019 thu được hơn 3 triệu đồng.
Vậy là từ việc ngửa tay xin tiền ba mẹ, các em không chỉ hoàn toàn “tự chủ” về kinh phí thuê sân banh mà còn để dư ra một nguồn quỹ. Riêng ông Lương, ngoài vai trò “cha đẻ” của CLB, còn kiêm luôn thủ quỹ. Cứ mỗi lần gom rác bán xong, ông công khai tài chính để các em phấn khởi vì thành quả của mình. Gạt vội giọt mồ hôi lấm tấm trên má, em Trần Thanh Khiêm khoe: “Tuần nào con cũng đi nhặt rác với các anh chị. Tuy mệt, nhưng góp phần bảo vệ môi trường nên con rất vui”.
Hồi đầu, đội banh chia làm hai vẫn không đủ người đá. Nhưng rồi sức hút của đội ngày càng lớn nâng dần số thành viên lên đến con số 24. Thành viên nhỏ nhất là 8 tuổi, lớn nhất 12 tuổi. “Tiêu chí tham gia CLB có lẽ là độ tuổi. Có cháu chỉ 6 tuổi cũng xin gia nhập, nhưng quá nhỏ. Đôi khi CLB còn gom rác đêm hôm nên cũng cần... lớn hơn một tí. Tôi phải nói khéo kẻo sợ cháu buồn”, ông Lương kể. Gần đây nhất CLB ra quân vào ban đêm là dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019. CLB đã có mặt trên nhiều tuyến đường, vừa giúp các cô chú lao công vừa gom rác tài nguyên. Cứ sau mỗi đêm, nguồn quỹ của CLB lại được góp thêm vài trăm ngàn đồng…
***
Trước Tết Trung thu, CLB đã trích quỹ và mua quà đến thăm nhiều hộ người già và tàn tật trong khu phố. Nhiều cụ đã rưng rưng nước mắt vì quá xúc động. Trước đó khoảng vài tháng, nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, CLB mua 67 suất quà tặng các bạn đồng trang lứa. CLB cũng trích số tiền 7 triệu đồng để thuê lân, mua quà vui Tết Trung thu. Trong những dịp tập trung đông đảo trẻ em như thế, ông Lương lại mang chuyện nhặt rác tài nguyên ra nói và CLB lại nhận được lời xin kết nạp thành viên.
“Tôi nghĩ rằng, từ việc nhặt rác đã vun đắp cho các cháu nhiều điều tốt đẹp. Không chỉ ý thức mà còn là câu chuyện về lòng trắc ẩn từ bé, lòng tự trọng về một xã hội sạch đẹp như ở các nước. Và như thế khi lớn lên, các cháu sẽ thành những cán bộ tốt… Đừng xấu hổ khi nhặt rác!”, đôi mắt vị bí thư già ánh lên niềm hy vọng.

Xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn

Ông Hà Ngọc Đức, Trưởng phòng TN-MT Q.Hải Châu, cho biết tháng 8 vừa qua, đơn vị đã đề xuất thí điểm phương thức thu gom rác tài nguyên vào các ngày thứ tư và chủ nhật thông qua Công ty môi trường đô thị TP.Đà Nẵng. Theo ông Đức, việc thí điểm sẽ từng bước tránh việc đổ rác chung, lẫn lộn các loại. Hiện 2 phường Hòa Cường Nam và Hải Châu 1 đã xây dựng kho thu gom rác tài nguyên. Quận sẽ nghiên cứu phương thức mua rác tài nguyên để khuyến khích người dân phân loại rác. Được biết, 6 tháng đầu năm 2019, qua phân loại rác tại nguồn, Q.Hải Châu thu hơn 400 triệu đồng để sử dụng cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.