'Biệt đội' giải cứu thú rừng: Lâm tặc trả nợ rừng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
13/07/2020 07:32 GMT+7

39 tuổi, anh Nguyễn Văn Huy (quê H.Bố Trạch, Quảng Bình) có 19 năm đi rừng, phá cây dó tìm trầm và 'lâm tặc' này bất ngờ gia nhập 'biệt đội' giải cứu thú rừng Pù Mát để trả nợ rừng.

Những chuyến đi của “người rừng”

“Biệt đội” giải cứu thú rừng: Lâm tặc trả nợ rừng

Anh Nguyễn Văn Huy

Ảnh: K.Hoan

Anh Huy lớn lên ở xã Hưng Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình), gần Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 2001, anh Huy theo anh trai và 2 người cùng xóm vượt hơn 300 km ra H.Con Cuông (Nghệ An) để thực hiện chuyến đi tìm trầm đầu tiên trong đời khi vừa tròn 20 tuổi. Từ Con Cuông, hành trình tìm trầm của nhóm anh em Huy bắt đầu bằng những ngày tháng đi bộ luồn rừng. Hành trang để họ sống hàng tháng trong rừng sâu là gạo, muối, cá khô và một số vật dụng khác mang trên lưng. Không la bàn, bản đồ, thiết bị định vị.
Một tháng sau, anh em Huy và 2 người hàng xóm vượt sang Lào, đi bộ thêm 4 ngày để vào sâu trong địa bàn tỉnh Borikhamxay. Họ dựng lán làm chỗ trú ngụ tạm thời để đi tìm kỳ nam và trầm. Kỳ nam và trầm mọc ra từ lõi cây dó, một loại cây thân gỗ cao 30 - 40 m, có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm. Thứ nhựa cây có mùi thơm này rất có giá trị, bán được với giá rất cao. Một buổi chiều, khi trời đã sẩm tối, 4 người đang băng rừng để về lán thì bất ngờ có tiếng súng nổ. Người anh trai của anh Huy đi sau cùng bị trúng đạn của bọn phỉ, tử vong. Huy và 2 người hàng xóm hoảng sợ, luồn rừng bỏ chạy và may mắn thoát nạn. Khuya đó, anh Huy và 2 người cùng nhóm lần tìm đến vị trí anh trai Huy bị bắn. Họ đào hố, chôn cất người thanh niên xấu số 22 tuổi rồi tìm nơi an toàn để mắc võng, ngủ. Hôm sau, cả 3 người tiếp tục băng rừng tìm trầm. Chừng 1 tháng sau, họ trở về. “Chuyến đó, tiền bán trầm chia ra mỗi người được hơn 2 triệu đồng”, anh Huy kể.

Phút nghỉ ngơi của lực lượng giải cứu

ẢNH: LÊ THÀNH

Chuyến đi rừng đầu tiên đầy đau thương và sợ hãi đó không làm Huy từ bỏ việc luồn rừng tìm trầm. “Ở chỗ em, đàn ông cả làng đều đi, ở nhà mình cũng chẳng biết làm việc chi nên sau đó em lại đi tìm vận may”, anh Huy nói. Những cánh rừng ở tỉnh Borikhamxay, giáp ranh với Nghệ An, được giới tìm trầm tìm đến từ nhiều năm nay, do có nhiều cây dó già có khả năng tạo kỳ nam và trầm. Từ đó, năm nào anh Huy cũng đến những khu rừng này để tìm trầm, mỗi năm khoảng 4 chuyến đi, mỗi chuyến nằm rừng 2 - 3 tháng.
2 năm sau ngày anh trai bị bắn chết, anh Huy tìm đến vị trí đã chôn cất anh, bốc mộ, mang hài cốt anh trai về quê an táng. Năm 2011, 4 người trong nhóm của anh Huy gặp may, mỗi người kiếm được hơn 200 triệu đồng trong một chuyến đi tìm trầm. “Đó cũng là chuyến đi may mắn nhất, còn lại, bình quân mỗi lần đi rừng 3 tháng em cũng chỉ được vài ba chục triệu đồng”, anh Huy kể.
“Biệt đội” giải cứu thú rừng: Lâm tặc trả nợ rừng

Hai thợ săn bắn chết 2 con voọc ở Pù Mát bị bắt giữ

ẢNH: LÊ THÀNH

Lâm tặc sám hối

Cuối năm 2018, trời rét mướt, nhóm tìm trầm gồm 4 người ở Quảng Bình, trong đó có anh Huy đang thực hiện cuộc vượt rừng Pù Mát để sang Lào thì bị “biệt đội” giải cứu thú rừng Pù Mát và kiểm lâm, biên phòng phát hiện. Cả 4 người bị đưa về đồn biên phòng gần đó. Tại đây, 4 người bị xử phạt hành chính mỗi người 300.000 đồng về hành vi xâm nhập trái phép khu vực biên giới. Sau đó, 4 “lâm tặc” này bị đưa về Trạm kiểm soát rừng Khe Thơi để làm rõ hành vi xâm nhập trái phép vườn quốc gia và khai thác lâm sản trái phép. Bước ngoặt làm thay đổi nhận thức và hành động của anh Huy cũng bắt đầu từ đây.
Khi 4 người trong nhóm của anh Huy đang bị câu lưu ở Trạm kiểm soát bảo vệ rừng Khe Thơi, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, đến gặp, hỏi thăm. Ông Cường từng công tác ở Phong Nha - Kẻ Bàng nên hiểu rõ về khả năng đi rừng của những người tìm trầm này. Ông hỏi thăm thu nhập của các chuyến đi rừng tìm trầm, anh Huy bảo, mỗi tháng kiếm được 10 triệu đồng. Biết những “người rừng” này rất giỏi đi rừng và rành rọt địa hình rừng Pù Mát, nên ông Cường ngỏ ý thuê 4 người ở lại bảo vệ rừng với mức lương 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Lời đề nghị này chỉ có 2 người trong nhóm là anh Huy và anh Nguyễn Văn Hải đồng ý. Nhưng anh Hải cũng chỉ trụ được chưa đầy 1 tháng, xin về quê thăm nhà rồi không còn quay trở lại.
“Khi thấy Hải không quay lại, tôi nghĩ, chắc Huy cũng chỉ trụ được một thời gian ngắn, rồi cũng sẽ về luôn, chứ khó bám được với nghề này”, anh Lê Tất Thành, Đội trưởng Đội “giải cứu” thú rừng Pù Mát, kể. Anh Huy ngồi bên cạnh cười, thú nhận: “Em cũng định như thế, nhất là thời gian đầu, luôn bị vợ phàn nàn, bắt phải bỏ việc, về nhà. Nhưng khi thấy anh em ở đây làm việc rất có tâm, có trách nhiệm, nhận thấy công việc giải cứu, bảo vệ rừng và thú rừng này rất có ích nên em đã quay lại”. Vợ con ở quê, cách Pù Mát đến hơn 300 cây số, nhà có 12 ha đất rừng, có chiếc xe tải, anh Huy phải thuê người làm, lái xe để bám trụ với công việc mới đầy vất vả này.

Dùng kinh nghiệm của lâm tặc để bắt lâm tặc

Tốt nghiệp ĐH lâm nghiệp, đã có nhiều năm gắn với rừng và 2 năm “lội” khắp rừng Pù Mát, đội trưởng Thành nói, anh phải thán phục về kinh nghiệm và khả năng đi rừng của “người rừng” Nguyễn Văn Huy. Thân hình nhỏ con, thấp bé và sắp chạm ngưỡng 40, nhưng sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng của anh Huy khiến đồng đội phải kinh ngạc. Đi hàng chục cây số trong rừng nguyên sinh rậm rạp, dốc cheo leo, nhưng “người rừng” Nguyễn Văn Huy không bao giờ cần đến la bàn hoặc bản đồ. Anh Huy nói, anh nhìn tán rừng và lớp rêu mọc trên thân cây rừng là nhận biết được các hướng. Để không bị phát hiện, những người đi rừng như anh Huy chẳng khác lính đặc công, “đi không dấu, nấu không khói”, khi luồn rừng không để lại dấu vết. Những chỗ cây bụi rậm rạp, phải tránh, tìm chỗ luồn lách để đi, không phát cành để lấy lối đi. Ban đêm, họ đốt củi lấy than để ban ngày dùng than nấu ăn, khói không phát ra. Để đủ gạo, muối, thức ăn sống trong nhiều tháng ở rừng, dân đi rừng chuyên nghiệp cũng không phí sức để gùi, cõng hàng chục ki lô gam sau lưng suốt cả hành trình mấy tháng trời. Họ biết cách giấu gạo, thức ăn khô trong rừng, ở nhiều điểm khác nhau. Khi quay trở lại, đến đâu, họ lấy gạo, thức ăn đã giấu để sử dụng. “Đã bao giờ các anh bị lạc đường và không tìm thấy gạo đã cất giấu?”, tôi hỏi. Anh Huy cười, nói chưa bao giờ.
Những kinh nghiệm đi rừng và cách phát hiện, đối mặt với lâm tặc, thợ săn ở Pù Mát đã được anh Huy truyền lại cho đồng đội. “Lâm tặc” ở Pù Mát cũng là dân sống nhiều thế hệ ở rừng, việc đi rừng, đối phó với lực lượng bảo vệ rừng cũng “không phải dạng vừa”. Đội trưởng Thành kể, sau khi loại bẫy dông được giăng khắp rừng bị phát hiện, phá hủy, thợ săn chuyển sang bẫy lẻ và không dựng lán ở nơi dễ phát hiện. Tuy nhiên, những tay thợ săn này cũng không qua được mắt của “người rừng” Nguyễn Văn Huy. “Huy dùng các cảm giác và con mắt đi rừng chuyên nghiệp lâu năm nên “đánh mùi” và nhận định rất chính xác có người đang xâm nhập vào rừng hay không. Do đó, khi đi tuần tra, cậu ấy thường dẫn đầu đoàn và các phán đoán của Huy đều rất chính xác”, anh Thành kể.
Sau hơn 1 năm trút bỏ chiếc áo “lâm tặc”, Nguyễn Văn Huy đã thực hiện hàng chục chuyến đi giải cứu, bảo vệ thú rừng ở Pù Mát. Anh nói, nhìn những con thú bị dính bẫy, rất thương. Khi phát hiện, giải cứu được con thú, trong lòng thấy rất vui. Vào rừng thấy thú rừng ngày càng nhiều, ung dung tìm thức ăn là anh quên cả mệt nhọc. “Anh sẽ còn ở lại Pù Mát bao lâu?”, tôi hỏi. Anh Huy cười: “Cũng chưa biết được, nhưng em sẽ cố gắng ở lại để “trả nợ” rừng vì công việc này em đang rất yêu thích và thấy nó có ích”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.