Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự luật Tố cáo (sửa đổi), dẫn thực tế thời gian qua có tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, cán bộ trước khi về hưu đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ, cấp phép dự án rồi "hạ cánh an toàn", đại biểu (ĐB) Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH), đề nghị dự luật phải có cơ chế giải quyết. “Cần phải bổ sung đối tượng cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vào trong luật Tố cáo để xử lý những vấn đề mà thực tiễn đã đặt ra. Làm như vậy để có tính răn đe”, ông Thanh bày tỏ.
Ủng hộ tinh thần này, song ĐB Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn việc thời gian qua các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp nguyên là lãnh đạo và bày tỏ băn khoăn: “Nếu là tội phạm, giải quyết theo tố giác thì hoàn toàn không ảnh hưởng. Nhưng tố cáo hành vi vi phạm trách nhiệm hành chính thì xử lý theo trình tự tố tụng nào?”.
Thời đại 4.0, sao không có tố cáo bằng thư điện tử ?
Một trong những vấn đề của dự thảo luật được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến là hình thức tố cáo. ĐB Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ, cho rằng Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp muốn ngoài 2 hình thức tố cáo là đơn và trực tiếp, còn bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Tuy nhiên, ông Khái lo ngại, với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay sẽ xử lý không kịp, không đáp ứng được thực tế, vì tiếp nhận phải xác minh. “Điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết hình thức này sẽ khó cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo... Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo liên tục đổ về điện thoại”, ông Khái nói.
Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề luật Phòng chống tham nhũng cho sử dụng thư điện tử thì tại sao luật Tố cáo lại không cho phép? Đang ở thời đại 4.0 mà luật lại đặt ra bên ngoài? “Chiều qua, tôi nhận được tin nhắn tên, địa chỉ nói “3 lần khiếu nại tố cáo về thu hồi đất của tôi không đúng nhưng chủ tịch tỉnh không giải quyết. Tôi forward tin nhắn về cho địa phương. Đâu có mất công gì, bấm một cái chuyển tiếp về đúng địa chỉ. Mình phải có trách nhiệm với dân”, Chủ tịch QH nói và cho biết, những tin nhắn này cũng sẽ chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện.
Cũng theo bà Ngân, những tin xấu, vu khống rất nhiều, tràn lan trên mạng xã hội, có những ĐB lo ngại nếu quy định trong luật sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, nên luật cần quy định chặt chẽ. Nếu đơn tố cáo có tên, địa chỉ, nội dung gửi qua email, không phải bâng quơ thì hoàn toàn chấp nhận được.
Về tố cáo cán bộ về hưu, theo Chủ tịch QH, tất cả cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ luôn phải có trách nhiệm, không thể nghĩ còn 2 năm nữa là về hưu, xong là thôi. Ngoài ra, trong thực tế có nhiều cán bộ bị tố cáo không đúng, đang đề nghị bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm, nếu kéo dài thời gian thì mất cơ hội của người ta. Nhất là trước đại hội, bổ nhiệm, đề bạt... cần tính ngày xem xét. Theo tinh thần cải cách hành chính cần rút ngắn thời gian, không kéo dài nhưng vẫn phải đủ thời gian xác minh.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng cho rằng, hiện nay visa cũng cấp bằng điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, công dân điện tử..., nếu không sử dụng công cụ này cho tất cả các hoạt động thì là vấn đề không bình thường. Theo ông Chính, quan trọng nhất là bảo vệ danh tính, khen thưởng khuyến khích cần chú ý điều này, có chế tài bảo vệ người tố cáo.
Luật Thể dục thể thao không nên “bỏ quên” quy định về đặt cược
Chiều 8.11, QH thảo luận tại tổ về dự thảo luật Thể dục thể thao (sửa đổi). ĐB Hoàng Thị Hoa (đoàn Bắc Giang) cho rằng dự thảo luật, không đề cập đến quy định về cá cược trong bối cảnh vừa có Nghị định về hướng dẫn đua ngựa và thí điểm đặt cược thể thao quốc tế là thiếu sót. ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cũng bày tỏ: Dẫu biết rằng quy định sẽ phức tạp nhưng không quy định nó vẫn đang tồn tại. Cho nên, cần quy định cụ thể để có biện pháp quản lý, nhằm giảm thiểu tiêu cực.
|
Bình luận (0)