Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, nhận diện rõ tình trạng "cả họ làm quan" cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý. “Nếu để lâu thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta”, kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết, bè phái phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ”, bà Dung nói.
Cho rằng đây là tham nhũng vặt nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ ngay tại cơ sở, theo đại biểu Dung, cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, người dân không mấy tin tưởng vào lãnh đạo. Nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều, nền móng mà lún sụt thi không nhà cửa nào đứng nổi.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn Thanh Hoá), báo cáo về tham nhũng phần công tác cán bộ quá ít, chỉ vài chục chữ. “Cử tri mong muốn được chuyển đến Quốc hội câu hỏi có hay không có tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức?. Nếu có thì báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng chưa đầy đủ. Còn nếu không thì tại sao việc bổ nhiệm cán bộ công chức đúng quy trình mà người tài có đức lại không được bổ nhiệm, một bộ phận cán bộ có đạo đức kém hơn, năng lực hạn chế hơn lại được bổ nhiệm? Tai hại hơn, khi được bổ nhiệm, lại được tổ chức cho họ quyền lớn là quyền hành dân, hành doanh nghiệp!”, ông Bộ nêu.
Nhiều đại biểu cho rằng, với các vụ án tham nhũng, dù có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì vẫn chưa triệt để.
Bình luận (0)