Nhiều chuyên gia pháp lý cho biết, trường hợp cá nhân vi phạm quy định cách ly tại nhà gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".
Liên quan sự việc nam bệnh nhân là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines (bệnh nhân 1342) trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (tại số 115 Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) từ ngày 14 - 18.11, bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân 1325).
Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân 1342 được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM). Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ ruột và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (trú tại P.3, Q.6, TP.HCM) có tới sống cùng.
Ngày 28.11, bệnh nhân 1342 được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho kết quả dương tính. Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp trên đây đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam cho kết quả dương tính (bệnh nhân 1347).
Xử lý nghiêm để răn đe
Trao đổi với Thanh Niên, Luật sư (LS) Ngô Huỳnh Phương Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết trường hợp này đã có biểu hiện rõ của việc vi phạm quy định cách ly. "Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi trên mới đủ sức răn đe người vi phạm. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", LS Thảo phân tích.
Căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Công văn 45/TANDTC-PC (ban hành ngày 31.3.2020) thì người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly, nhưng không tuân thủ quy định cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi năm 2017) và bị xử lý về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người", LS Thảo dẫn chứng.
Hiện nay, khung hình phạt thấp nhất của "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người" là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt từ 1 - 5 năm tù giam. Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt từ 10 - 12 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, LS Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Trần Minh Cường (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết quy định "hành vi khác" tại Điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã được TAND tối cao hướng dẫn tại Công văn 45/TANDTC-PC (ngày 30.3.2020) hành vi khác trong đó có việc "không tuân thủ quy định cách ly".
"Do đó, trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án để điều tra. Tùy thuộc vào kết quả điều tra mà xem xét khởi tố vụ án và xét xử theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì với hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tương ứng", LS Cường cho biết.
LS Cồ Lê Huy (thuộc Công ty luật Đại Việt) cho biết trường hợp cá nhân vi phạm quy định cách ly tại nhà gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". "Động cơ và mục đích của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Chưa xét đến kết quả người này có nhiễm bệnh hay không, chỉ cần đang trong giai đoạn thực hiện cách ly mà tiếp xúc người khác và gây hậu quả có ca lây nhiễm trong cộng đồng là cố ý không thực hiện quy định về cách ly. Trường hợp này đủ căn cứ để khởi tố vụ án", LS Huy phân tích.
Bình luận (0)