Sáng 14.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 48 cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của TAND tối cao, VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.
Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm từ 1.10.2019 tới 31.7.2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, tình hình an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; đe dọa chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới, căng thẳng, phức tạp. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là các hoạt động liên quan đến tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
An ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, ông Vương cho hay, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát. Tình hình khiếu kiện tuy giảm mạnh về số người tham gia, nhưng vẫn còn rất phức tạp.
Cụ thể, theo Bộ Công an, trong kỳ báo cáo, đã xảy ra 16.837 lượt khiếu kiện với 60.082 lượt người tham gia liên quan đến 3.776 vụ việc (tăng 53,96% số lượt khiếu kiện, giảm 31,64% số lượt người tham gia, tăng 5,68% số vụ việc có liên quan).
11 chiến sĩ công an hy sinh trong các vụ chống người thi hành công vụ
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, ông Vương cho hay, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng (945 vụ, tăng 7,63% và 1.255 đối tượng, tăng 4,41%); đặc biệt, số vụ giết người thân tăng mạnh (178 vụ, tăng 212,28%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.
Cũng theo ông Vương, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội.
Theo đó, đã xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ (tăng 280%), làm 11 chiến sĩ công an hy sinh, 206 chiến sĩ công an bị thương.
Bộ Công an cũng cho biết, các lực lượng chức năng phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%), 242 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 13,88%).
Qua công tác điều tra cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…).
Bộ Công an lưu ý, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế.
Tội phạm nghiêm trọng gia tăng, chất lượng điều tra còn hạn chế
Báo cáo thẩm tra về công tác tư pháp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày đánh giá, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm 720 vụ, tăng 14,1% (trong đó hiếp dâm trẻ em 454 vụ, tăng 21,07%); giao cấu với trẻ em 612 vụ, tăng 17,92%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.739 vụ, tăng 8,69%; gây rối trật tự công cộng 446 vụ, tăng 49,16%; chống người thi hành công vụ 369 vụ, tăng 14,24% (trong đó xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ, tăng 280%).
Số vụ giết người thân tăng mạnh (178 vụ, tăng 212,28%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn...
|
Theo bà Nga, công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có mặt hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Đáng lưu ý, đã xuất hiện một số hình thức cho vay qua ứng dụng công nghệ cao (vay tiền online, qua app) thủ tục đơn giản nhưng lãi suất rất cao, đồng thời người cho vay có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, người thân của họ để thu hồi nợ đang gây nhiều hệ lụy trong xã hội, tuy nhiên việc quản lý và phòng ngừa còn hạn chế.
Ủy ban Tư pháp dẫn chứng vụ cho vay tiền và đòi nợ tại một công ty tài chính, hay vụ 7 người Việt Nam và Trung Quốc cho vay lãi nặng bằng hình thức thông qua app điện thoại tại TP.HCM (Công ty này sử dụng 2 app là ABLOAN và VNCARD) và cho biết, đến nay vẫn chưa có quy định để quản lý loại hình giao dịch này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp đánh giá, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.
Đáng lưu ý, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019. Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ, do đó, số trường hợp VKSND yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi, bổ sung các quyết định tố tụng và được cơ quan điều tra chấp nhận đều tăng nhiều so với năm 2019.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra và rà soát các vụ án để ban hành các quyết định tố tụng đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội.
Bình luận (0)