Thông tin này được Bộ Nội vụ cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của ngành nội vụ, sáng nay, 2.7.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, bộ này đã tham mưu trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất.
Ngày 14.6 vừa qua, Bộ này đã chính thức có tờ trình Chính phủ về việc này.
Những tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời đề xuất chủ trương giao biên chế và thực hiện tinh giản biên chế năm 2022 và các năm tiếp theo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nghị định liên quan về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm.
Theo Bộ Nội vụ, một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các quy định mới của Chính phủ như: Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông...
Bộ Nội vụ cũng khẳng định công tác xây dựng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…
Đáng chú ý, bộ này đã rà soát và đề xuất với Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bộ Nội vụ đánh giá, một số bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành chưa kịp thời ban ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế chậm sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp tại các bậc học; định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số theo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ làm cơ sở để bố trí biên chế, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp bảo đảm khoa học, sát với thực tế.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII đề ra do lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Ngoài ra, việc tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10% song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bình luận (0)