Bỏ rơi sản phụ, con tử vong: Khoảng trống pháp luật?

Phan Thương
Phan Thương
19/08/2019 16:55 GMT+7

Sự việc sản phụ bị bỏ rơi khiến con tử vong tại Bình Phước đang khiến dư luận bức xúc.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 6 giờ ngày 17.8, sản phụ V.T.Y cùng chồng thuê xe dịch vụ 7 chỗ của một nhà xe trên địa bàn xã, với giá thỏa thuận 750.000 đồng, để đi đến cơ sở y tế.

Bi kịch gia đình sản phụ bị tài xế bỏ rơi, phải đẻ con bên đường ở Bình Phước

Sau khi đến trạm y tế của xã Thống Nhất khám trước, được các y tá, kíp trực ở trạm đề nghị lên tuyến trên, 2 vợ chồng chị Y. cùng tài xế bắt đi tiếp.
Khi đi được khoảng 4 km, thấy chị Y. đau bụng dữ dội, tài xế Nguyễn Đức Nhạc (cũng là chủ xe) bất ngờ “mời” gia đình sản phụ Y. xuống xe.
Người chồng của sản phụ Y. cho biết: “Tài xế trải một tấm vải nhựa xuống dưới vệ đường, hai vợ chồng tự dìu nhau xuống. Sau đó một lát thì tôi thấy xe và tài xế bỏ đi”.
Khi vợ có dấu hiệu chuyển dạ, người chồng vô cùng căng thẳng. Sau đó anh đã điện về gia đình nhờ người nhà ra giúp đỡ, hô hoán những người đi đường cũng như điện báo về trạm y tế xã cách đó chỉ khoảng hơn 2 km để nhờ hỗ trợ.
“Khi con chào đời, chúng tôi thấy cháu cử động, nhưng do không biết gì nên không dám tác động vào bé. Một lúc sau, khi cán bộ y tế xã đến nơi, thì thấy con tôi không còn cử động nữa”, chồng sản phụ Y. đau xót kể.

Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tài xế?

Sự việc đối với sản phụ ở Bình Phước, luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết chỉ có thể lên án tài xế ở khía cạnh đạo đức, tình người, không thể xử lý trách nhiệm hình sự tài xế về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, theo Điều 132 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
LS Nguyễn Kiều Hưng phân tích: "Dấu hiệu cơ bản cấu thành tội của Điều 132 BLHS là người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết. Tuy nhiên, trong sự việc bỏ rơi sản phụ tại H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, thời điểm tài xế bỏ mặc mẹ con sản phụ thì thai nhi chưa được sinh ra, người tử vong là thai nhi, không phải sản phụ nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tài xế".
Theo LS Hưng “đây là một lỗ hổng, khoảng trống pháp luật khi không dự liệu được những tình huống rằng nếu bỏ rơi, không cứu giúp sản phụ dẫn đến thai nhi chết thì cũng phải bị buộc tội theo Điều 132 BLHS”.
Dù không truy cứu được trách nhiệm hình sự tài xế, LS Nguyễn Kiều Hưng khẳng định gia đình sản phụ có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu tài xế bồi thường thiệt hại về dân sự.
“Giữa tài xế và sản phụ đã hình thành giao dịch vận chuyển, mà tài xế bỏ mặc giữa chừng dẫn đến hậu quả có người tử vong thì sản phụ và gia đình có quyền yêu cầu được bồi thường các chi phí mai táng, tổn thất tinh thần… theo luật định”, LS Nguyễn Kiều Hưng nêu.
Tương tự, tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng thời điểm tài xế đề nghị sản phụ xuống xe thì thai nhi chưa được sinh ra trong khi hậu quả của tội danh “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” phải khiến chính người đó chết nên khó để định tội tài xế theo Điều 132 BLHS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.