Bộ trưởng Công an: Vấn đề vệ sinh khi sử dụng ngựa sẽ được tính toán kỹ

Vũ Hân
Vũ Hân
08/06/2020 17:34 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, số lượng ngựa của đội kỵ binh Cảnh sát cơ động đang được phát triển dần. Tới đây, Bộ Công an dự kiến tiếp tục nội địa hóa, sử dụng thêm các giống ngựa trong nước, như ngựa Bắc Hà.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 8.6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng lực lượng kỵ binh trong việc bảo đảm an ninh trật tự.
Theo ông Tô Lâm, trước đây, Việt Nam đã có lực lượng kỵ binh, nằm trong lực lượng công an vũ trang. Khi đó, kỵ binh được sử dụng cho việc tuần tra biên giới trong bối cảnh đường sá chưa có, các lực lượng phải dùng ngựa đi tuần. Ngựa có lợi thế là có thể đi bất kể địa hình nào, bất kể rừng núi, nơi có đường hay không.

Cận cảnh Cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam diễu hành trên đàn ngựa Mông Cổ

Bộ trưởng Bộ Công an phân tích, thực tế, các nước hiện đại vẫn đang dùng ngựa vào nhiều hoạt động của lực lượng công an, thậm chí sử dụng trong thành phố, đô thị, vì ngựa di chuyển ở các ngõ phố nhỏ rất tốt.
“Sau nghiên cứu, được phép của Chính phủ, Bộ Công an đầu tư xây dựng Trung đoàn kỵ binh Cảnh sát cơ động từ việc hợp tác với nhiều nước đã phát triển kỵ binh. Số lượng ngựa đang được phát triển dần. Bộ sẽ tiếp tục nội địa hoá, sử dụng thêm các giống ngựa trong nước, ví dụ như ngựa Bắc Hà. Ngựa của đồng bào vùng núi, quen thuộc với địa bàn sẽ tiếp tục được phát triển, khai thác”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Về định hướng hoạt động, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, kỵ binh sẽ được dùng trong bất kể công việc gì cần thiết, từ lễ tân nhà nước, các hoạt động nghi thức quốc gia, tới việc phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát…

Phấn khích với đàn ngựa Mông Cổ của Cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam

Xung quanh dư luận lo ngại ngựa làm mất vệ sinh trên đường phố, qua một số hình ảnh tại nghi lễ diễu hành sáng 8.6, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, đây không phải sự cố chưa lường trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, do đặc tính loài ngựa có ruột thẳng, ăn và tiêu hoá liên tục, nên vấn đề đảm bảo vệ sinh khi khai thác, sử dụng ngựa sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Đơn cử, kỵ binh của Hoàng Gia Anh có thiết bị giữ vệ sinh cho ngựa, hứng chất thải ở dưới đuôi ngựa.
Các đô thị hiện tại cũng không thiếu thiết bị để vệ sinh, hút, rửa chất thải vương vãi trên đường phố. Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc này không ảnh hưởng nhiều vấn đề phát triển, sử dụng kỵ binh tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.