Không để VN trở thành địa bàn trung chuyển ma túy
|
|
|
Cử tri hết sức lo lắng vì thời gian gần đây, số lượng và sự nghiêm trọng của các vụ buôn bán ma túy, giết người, tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia tăng lên rất nhiều. Thậm chí nhiều người sáng ra đi làm không dám chắc chiều có trở về nhà an toàn hay không
|
|
|
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
|
|
|
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an là tình hình tội phạm ma túy. ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nêu cử tri rất bức xúc tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy vì hiện nay không tính bằng gram hay ki lô gam nữa mà tính bằng tấn. Điều này cho thấy công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp so với tính phức tạp của tình hình.
“Xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm của Bộ ở đâu và có giải pháp căn cơ gì để ngăn chặn tội phạm về ma túy?”, ĐB tỉnh Cà Mau chất vấn.
Cùng vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Liệu có phải ta chưa “đánh” ma túy mạnh như một số nước nên tội phạm mới chọn VN làm nơi để trung chuyển ma túy? Lỗ hổng yếu kém trong công tác kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu hiện nay là gì mà để số lượng lớn ma túy xâm nhập vào nội địa?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng lực lượng công an đã dự báo trước tình hình và kết quả bắt giữ ma túy thời gian qua đã nói lên điều này. Theo Bộ trưởng Công an, năm 2018, sau khi bị trấn áp mạnh ở các tỉnh Tây Bắc, tội phạm ma túy đã chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam. Đặc biệt, đầu năm 2019, ngành công an phát hiện tội phạm ma túy là người nước ngoài. “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để VN trở thành địa bàn trung chuyển ma túy ra
thế giới”, ông Lâm nói.
Người đứng đầu ngành công an cũng cho biết còn nhiều thách thức đặt ra trong việc đấu tranh với tội phạm ma túy. “Chúng ta đang ở rất gần trong vòng xoáy trung tâm lớn thứ hai về ma túy của thế giới. Bên cạnh đó, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng khiến nhu cầu ma túy trong nước ngày càng tăng. Đây là một thách thức lớn”, ông Lâm nhìn nhận.
Một bánh heroin vào VN, 10 gia đình có người đi tù
|
|
|
Thủ trưởng công an địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn và Bộ Công an cũng đã đặt vấn đề điều chuyển giám đốc công an tỉnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ
|
|
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
|
|
|
Tiếp tục đặt câu hỏi, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng số người nghiện ma túy tăng lên chưa kiểm soát được, nhất là thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp, rẻ tiền gây ảo giác, ngáo đá dẫn đến nhiều vụ án nghiêm trọng ảnh hưởng tới văn hóa, kinh tế, xã hội. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) muốn Bộ trưởng có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với lực lượng công an địa phương đã để cho hàng tấn ma túy thẩm lậu, tập kết, đóng gói tại địa phương trong các vụ việc vừa qua.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. “Chúng tôi lượng tính được nếu mỗi bánh heroin lọt được vào VN thì khoảng 10 gia đình có người đi tù”, ông Lâm nêu và cho biết, đấu tranh với tội phạm ma túy, ngăn chặn ma túy là vấn đề rất quan trọng trong mục tiêu làm giảm phạm pháp hình sự trong nước. Ông Lâm cũng đề nghị xem xét khôi phục lại quy định xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định tại bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với trách nhiệm của công an địa phương, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh thủ trưởng công an địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn và Bộ Công an cũng đã đặt vấn đề điều chuyển giám đốc công an tỉnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
|
|
|
Bộ trưởng có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với lực lượng công an địa phương đã để cho hàng tấn ma túy thẩm lậu, tập kết?
|
|
|
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
|
|
|
Một vấn đề bức xúc khác cũng được nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an là tội phạm liên quan tới tín dụng đen, băng nhóm xã hội đen đang gây bức xúc dư luận thời gian qua.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho biết trong 2.500 vụ liên quan tín dụng đen năm 2018 thì chỉ 34 vụ bị xử về tội cho vay nặng lãi, chiếm 2%, là quá thấp và đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm loại tội phạm này. ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ hơn về băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen vì hoạt động của các băng nhóm này không chỉ liên quan tới tín dụng đen mà còn các hoạt động tội phạm khác như buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em, bảo kê hoạt động mại dâm...
Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận tín dụng đen là một nguyên nhân nảy sinh các tội phạm khác; đồng thời khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục trấn áp mạnh mẽ tội phạm này. Hiện Bộ Công an đã tham mưu để Chính phủ ban hành chỉ thị phân công trách nhiệm cho các ngành cụ thể trong giải quyết tín dụng đen. Bên cạnh đó, ông Lâm kiến nghị khẩn trương có hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong quy định pháp luật liên quan tới xử lý tội phạm tín dụng đen vì loại tội phạm này đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để gây khó khăn cho việc xử lý. “Chúng tôi đang tập trung đấu tranh với loại tội phạm này. Đây cũng được xác định là tội phạm hết sức nguy hiểm”, ông Lâm nhấn mạnh.
Xã hội chưa thật sự bình yên
|
|
|
Xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm của Bộ ở đâu và có giải pháp căn cơ gì để ngăn chặn tội phạm về ma túy
|
|
|
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)
|
|
|
Nhiều ĐB đặt vấn đề trách nhiệm của ngành công an trong đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) nêu: “Cử tri hết sức lo lắng vì thời gian gần đây, số lượng và sự nghiêm trọng của các vụ buôn bán ma túy, giết người, tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia tăng lên rất nhiều. Thậm chí nhiều người sáng ra đi làm không dám chắc chiều có trở về nhà an toàn hay không. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành công an trước việc các tội phạm nghiêm trọng hoành hành đến mức gây bất an cho xã hội như thế nào?”.
Bộ trưởng Tô Lâm nói ông rất chia sẻ về những lo lắng của ĐB; đồng thời nêu các giải pháp của ngành công an. Tuy nhiên, ĐB TP.Đà Nẵng tranh luận, muốn Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc để các loại tội phạm nghiêm trọng hoành hành tới mức gây bất an trong xã hội. Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Công an khẳng định Bộ Công an là cơ quan thường trực được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, nên nếu để tội phạm xảy ra thì trách nhiệm đó thuộc về lực lượng công an cũng như người đứng đầu lực lượng công an. “Hiện nay, nguyên nhân nảy sinh tội phạm có rất nhiều, trong đó có phần trách nhiệm của Bộ Công an, có phần trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cơ quan, các ban, ngành đoàn thể trong việc đảm bảo an ninh trật tự cũng như làm giảm tội phạm”, ông Lâm nói.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh bên cạnh những thành quả đạt được của ngành công an, thực tế diễn biến thời gian qua và qua nội dung chất vấn của các ĐBQH cho thấy, xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm. “Thành tích của lực lượng công an, quân đội là rất lớn, nhưng vẫn còn đó những lo lắng trong xã hội, vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà QH, nhân dân và xã hội cực lực lên án”, bà Ngân nói.
Bình luận (0)