Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum

Bích Ngân
Bích Ngân
08/09/2020 14:44 GMT+7

Ngày 7.9, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3875/QĐ-BYT về việc đưa ra hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum.

Ngày 7.9, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3875/QĐ-BYT về việc đưa ra hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum

WHO sẽ cấp thuốc giải độc cho bệnh nhân bị ngộ độc mức độ nặng sau khi ăn pate Minh Chay 

Triệu chứng, xử trí

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian khởi phát bệnh phổ biến 12 - 36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6 giờ - 8 ngày sau ăn.
Người bệnh xuất hiện triệu chứng cụ thể như sau: buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt ruột cơ năng, táo bón, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp...
Ngoài ra, người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, liệt các cơ vùng ngực và bụng. Đồng thời, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất; đồng tử có thể giãn hai bên, …
Về nguyên tắc xử trí, Bộ Y tế cho biết cấp cứu và hồi sức hô hấp là chính, cần phát hiện sớm tình trạng liệt cơ hô hấp, kiểm soát đường thở, thở máy và các vấn đề hồi sức kèm theo. Dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng sớm càng tốt khi đã có chỉ định. Đồng thời báo các cơ quan chức năng cùng phối hợp giải quyết.
Bộ Y tế cho biết cần gây nôn nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ. Tiến hành biện pháp than hoạt trong trường hợp bệnh nhân đến viện muộn do độc tố, vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau...
Bệnh nhân cần được theo dõi, giám sát, đặc biệt tình trạng liệt các cơ và tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân liệt hầu họng, ho khạc kém, ứ đọng đờm thì cần hút đờm, nằm nghiêng, đặt ống thông dạ dày cho ăn, nên đặt nội khí quản sớm bảo vệ đường thở. Bệnh nhân suy hô hấp thì đặt nội khí quản, thở máy... 

Hai người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay, mất hàng tháng để hồi phục

Biện pháp phòng tránh ngộ độc Botulinum
Theo Bộ Y tế, về lý thuyết thuốc điều trị ngộ độc Botulinum chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn tại thần kinh, do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối, …) cần đảm bảo phải chua, mặn… để phòng tránh ngộ độc botulinum.

Độc lực vi khuẩn Clostridium botulinum rất mạnh

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo khẩn từ ngày 13.7 - 18.8 xuất hiện 9 ca bệnh từ một số tỉnh trong nước phải điều trị tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (2 ca), BV Chợ Rẫy (5 ca, chưa tính ca mới) và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (2 ca).
Các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân trước đó đều có sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới.
Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm pate Minh Chay của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum thể B có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.