Bộ Y tế xếp áp chót về chỉ số cải cách hành chính 2017

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/05/2018 10:18 GMT+7

Bộ Y tế từ thứ hạng 11 trên 19 đơn vị được xếp hạng năm 2016 tụt xuống hạng 18 trong kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính vừa được Bộ Nội vụ công bố sáng nay, 2.5, điểm số cải cách hành chính của Bộ Y tế từ 79,69% năm 2016 giảm xuống còn 72,40%, giảm 7,29%.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng có sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 so với năm trước. Bộ này đã tụt từ thứ hạng 9/19 năm 2016 xuống thứ 17/19, chỉ trên Bộ Y tế 1 bậc. So với năm 2016, điểm số của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã giảm tới 7,98% (từ 80,59% xuống 72,61%).
Cơ quan ngang bộ xếp cuối cùng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 là Ủy ban dân tộc, với điểm số 72,13%.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có chỉ số cải cách hành chính cao nhất với kết quả đạt 92,36%. So với đơn vị đạt kết quả thấp nhất, khoảng cách điểm số lên tới 20,23%.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ ngành chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 12 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ cải cách hành chính trên 80%, gồm: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nhóm thứ 2 gồm 7 bộ có kết quả từ 70-80%, gồm: Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79,92%. Không có bộ nào có kết quả chỉ số cải cách hành chính dưới 70%. Có 12 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ số cải cách hành chính năm 2017 trên mức trung bình.
So với năm 2016, năm nay, có 9 đơn vị tăng điểm số, gồm: Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giá trị điểm số tăng cao nhất, 8,09% (từ 71,91% năm 2016 lên 80% năm 2017). Tuy nhiên, chỉ số cải cách hành chính năm 2017 giảm 0,32% điểm số so với năm 2016.
Theo Bộ Nội vụ, các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nội dung công bố, công khai thủ tục hành chính và tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn theo quy định. Tỷ lệ điểm số trung bình mà các bộ nhận được qua điều tra xã hội học chỉ ở mức 70,05%.
Quảng Ninh đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính năm 2017
Kết quả PAR INDEX 2017 của các tỉnh, thành phố cho thấy có những thay đổi đáng kể so với năm 2016. Trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính với kết quả điểm số 89,45/100, cao hơn với đơn vị đứng vị trí thứ 2 là Hà Nội tới 3,99%. Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 6 với điểm số 82,73%.
Tỉnh Đồng Nai là đơn vị xếp vị trí thứ 3 với kết quả điểm số là 84,52 điểm. Hai địa phương còn lại trong nhóm 5 đơn vị dẫn đầu lần lượt là Đà Nẵng và Hải Phòng.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, đây đều là những đơn vị tiên phong, có nhiều sáng kiến trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính những năm gần đây và được trung ương đánh giá cao, nhiều địa phương khác đến nghiên cứu học tập.
Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị có chỉ số cải cách hành chính 2017 thấp nhất, chỉ đạt 59,69%. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong bảng xếp hạng có kết quả đạt dưới 60%. Các tỉnh, thành xếp ở nhóm 5 địa phương cuối bảng ngoài Quảng Ngãi còn có Bình Định, Trà Vinh, Thanh Hóa và Bến Tre.
Theo Bộ Nội vụ, giá trị trung bình của chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2017 của các tỉnh, thành phố là 77,72%, cao hơn giá trị trung bình năm 2016 là 3,09%. Tuy nhiên, khoảng cách giữa tỉnh dẫn đầu và tỉnh cuối bảng lên tới gần 30%.
Đáng nói, chỉ số cải cách hành chính năm 2017 có sử dụng chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) như một chỉ số thành phần, chiếm tới 12% tổng số điểm tối đa để đánh giá tác động của cải cách hành chính tại các tỉnh, thành phố. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.