Cần cơ quan độc lập giải quyết yêu cầu bồi thường

25/10/2012 17:47 GMT+7

(TNO) Ngày 25.10, tại TP.HCM, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm về tình hình và kết quả triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh cho biết người bị thiệt hại còn gặp khó khăn trong yêu cầu bồi thường.

Qua ba năm triển khai chỉ có 122/165 vụ được bồi thường với số tiền là 16 tỉ đồng. “Nhật có nền công vụ hoàn hảo như thế mà mỗi năm phải bồi thường khoảng 2.000 vụ oan sai. Không lẽ nước ta chỉ vài chục vụ/năm?”, ông Tịnh nói.

Nguyên nhân là theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Đây chính là vướng mắc lớn nhất trong thực tiễn khi áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM), điều này bất cập vì cùng nằm trong bộ máy nhà nước nên cơ quan có thẩm quyền sẽ không “mặn mà” khi xác định sai trái của “gà nhà”. Để giải quyết tình trạng này, ông cho rằng cần thành lập cơ quan độc lập (không bị chi phối của cơ quan bị khiếu nại) trực tiếp thụ lý giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

 Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bên cạnh đó, luật sư Ly Tao còn đề nghị có hình thức chế tài (khiển trách, cảnh cáo thủ trưởng cơ quan, phạt lãi trả chậm…) đối với cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhưng cố tình chậm trễ, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Nói thêm về vướng mắc trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Trần Thật, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ (Viện KSND TP.HCM) cho biết: “Trong thực tế, do bị áp lực nên có tình trạng thà “lọt” tội phạm còn hơn khởi tố oan sai. Điều này sẽ gây hậu quả khó lường nếu để lọt tội phạm nguy hiểm. Vì thế, cần có cơ chế, quy định thưởng phạt thích hợp để ngăn chặn tình trạng này”.

Ngoài ra, đối với chủ doanh nghiệp bị oan sai, việc tính thiệt hại thế nào cho chính xác (như thiệt hại về thương hiệu, cơ hội làm ăn…); đối với người có chức vụ bị oan sai, vấn đề tiền lương, cấp bậc, chức vụ và những quyền lợi phi vật chất khác… được giải quyết ra sao? Người nước ngoài bị oan sai có thuộc diện được bồi thường không? Thu nhập bị mất khi bị tạm giam oan được tính thế nào? - cũng là những vấn đề cần được hướng dẫn kỹ hơn.

Để Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng cần tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác giải quyết bồi thường của Nhà nước cho cán bộ, công chức.

Tin, ảnh: Nguyễn Tập

>> Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13: Xử lý nghiêm hành vi cản trở luật sư
>> Đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật Việc làm
>> Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nuôi con thì khỏi nuôi cha mẹ !?
>> Thảo luận về luật Đất đai, Thuế thu nhập cá nhân...
>> Hội thảo pháp luật tái cấu trúc DN và cơ hội đầu tư
>> Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thu chi
>> Bức xúc những khu quy hoạch “treo" cả một thế hệ 
>> Phần lớn các dự án “treo” thuộc nguồn vốn ngân sách 
>> Chỉ mới ghi nhận được 29 khu vực quy hoạch “treo”
>> Đề nghị đặt kỳ hạn cho quy hoạch “treo”
>> Kẹt cứng trong quy hoạch treo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.