Cần một 'hiệp ước xã hội' trong giáo dục nghề nghiệp

17/11/2019 09:45 GMT+7

Ngày 16.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động VN với chủ đề ' Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp'.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 1.500 đại biểu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục...
Phát biểu kết luận, với mong muốn giáo dục nghề nghiệp ở VN có khát vọng hơn nữa để vươn lên sánh ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, Thủ tướng cho rằng phải bảo đảm 3 nguyên tắc để giáo dục nghề nghiệp phát triển. Trước hết, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thứ hai, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Thứ ba, nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của DN và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác DN, nhà trường.
Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH thiết kế và đề xuất một “hiệp ước xã hội”, đó là cơ chế hợp tác giữa nhà trường, DN và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế. Theo đó, DN được tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập liên thông DN - nhà trường trong quá trình đào tạo học viên. Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi với tinh thần cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào, DN nào tham gia đào tạo, sử dụng nhiều học viên từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì được hưởng ưu đãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.