Cần tăng cán bộ, công chức nhập ngũ

12/11/2014 16:34 GMT+7

(TNO) Cần có cách thức để tăng đối tượng cán bộ, công chức tại các địa phương, đặc biệt đối tượng là đảng viên thực hiện nghĩa vụ quân sự .

>> Công bằng hơn khi tăng tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự
>> Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng
>> Nghĩa vụ quân sự không nhất thiết phải nhập ngũ
>> Không có gì thay thế được nghĩa vụ quân sự
>> Không đặt vấn đề nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự trong Hiến pháp

Đây là quan điểm của một số đại biểu (ĐB) thuộc đoàn ĐBQH TP.HCM tại buổi thảo luận chiều nay 12.11, về dự án luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Theo ĐB Nguyễn Văn Hưng, (đại tá, Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM), thực tế từ công tác tuyển quân cho thấy, đối tượng tạm hoãn theo luật hiện tại quá rộng nên thường lực lượng chính nhập ngũ là con em nông dân, ở nông thôn. Tỷ lệ có trình độ đại học nhập ngũ hàng năm rất thấp chỉ dưới 5%.

“TP.HCM làm rất quyết liệt thì tỷ lệ đối tượng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học cũng chưa tới 32%, trong đó đại học dưới 10%”, ông Hưng dẫn chứng, và cho rằng, việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự như dự luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng quân đội.

 nhap-ngu
ĐBQH đề nghị nên quy định đối tượng du học trên 12 tháng mới được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự - Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Hưng cũng đề nghị cần nâng số lượng đối tượng là cán bộ, công chức ở các cơ quan ban ngành, địa phương, đặc biệt là các đối tượng đảng viên thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo “công bằng”. Theo ĐB Hưng, đây là nhóm đối tượng có tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ quân sự rất hạn chế.

Cũng theo ĐB Hưng, nên nghiên cứu cho hoãn nghĩa vụ đối với đối tượng thuộc diện chính sách xóa đói giảm nghèo.

Ủng hộ phương án thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thống nhất 24 tháng, ĐB Ngô Ngọc Bình (thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 7) cho rằng, mặc dù chỉ chênh nhau 6 tháng nhưng khoảng thời gian cần thiết cho việc đào tạo, huấn luyện phù hợp với tình hình đất nước và nhu cầu xây dựng quân đội.

“Trước đây trong chiến tranh biên giới Tây Nam, do thời gian huấn luyện hạn chế nên đã có thực trạng là “gà mẹ dẫn đàn gà con”, hiệu quả chiến đấu thấp, hy sinh nhiều. Cái giá phải trả rất đắt vì trả bằng xương máu của bộ đội”, ĐB Bình nói.

ĐB Bình đề nghị mở rộng đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ là học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi quan trọng của quốc gia và quốc tế. “Nếu được tạm hoãn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ cho xã hội  mà cho cả quân đội, nếu cần thiết”, ông Bình lý giải.

Cũng theo ĐB này, đối tượng học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài hiện có số lượng khá lớn nhưng chưa thấy đề cập trong dự luật. Trong khi đó, ở các nước, thanh niên đi học nước ngoài có những ràng buộc về nghĩa vụ quân sự như đóng tiền, khi về thực hiện nghĩa vụ, người ta trả lại tiền đó. “Ở Việt Nam thực hiện chắc cũng khó, nhưng cũng nên đưa vào điều khoản ràng buộc”, ông Bình đề xuất.

Đồng tình, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho rằng, nên quy định đối tượng du học trên 12 tháng mới được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Cũng theo bà Thúy, nên tăng cường đối tượng cán bộ, công viên chức đang công tác ở các cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, cần quy định thời gian phục vụ trong quân đội được coi là thời gian nghỉ không lương. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ về được bố trí lại công việc cũ hoặc công việc khác phù hợp.

Theo dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng. Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Trong khi luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng).

Liên quan đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, dự luật quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.