Cảnh báo thảm họa 'ô nhiễm trắng'

Lê Quân
Lê Quân
04/06/2018 13:50 GMT+7

Đây là cảnh báo của GS - TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, tại hội thảo khoa học Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lon khó phân hủy, do Bộ TN-MT tổ chức sáng 4.6.

GS - TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết hiện tại, khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua, và dự kiến tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Dự báo tới  năm 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới gần 1.124 triệu tấn nhựa...
“Nếu lạm dụng quá mức nhưng thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích, sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường do nhựa, giới khoa học gọi là thảm họa “ô nhiễm trắng” mà Việt Nam khó tránh khỏi, nếu không có biện pháp lâu dài”, GS - TS Đặng Kim Chi cảnh báo.
Đáng chú ý, theo GS - TS Đặng Kim Chi, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia và Phillippines. Đây là một thách thức lớn cho môi trường, bởi vì với đặc tính bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được, có thể gây tác động xấu cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước, đại dương. 
Nhiều nhà khoa học lo lắng về tình trạng kiểm soát sử dụng sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là túi ni lông ở nước ta chưa tốt Ảnh Lê Quân
GS - TS Chi dẫn thực tế chất thải nhựa, như túi ni lông, dùng làm bao bì khi thải bỏ, kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm, sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ô xy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi ni lông bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. "Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Bị cọ xát, dưới tác động của nước biển và tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn, rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều chi phí để khắc phục”, GS - TS Chi nói thêm.
Do vậy, theo khuyến cáo của vị GS này, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi ni lông), áp dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa...
Đề xuất đánh thuế cao sản phẩm từ nhựa để giảm thiểu ô nhiễm
Ông Nguyễn Thành Yên, Vụ phó Vụ Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, thông tin thêm: ở nước ta chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải. Bộ TN-MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi ni lông/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi ni lông bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Phó trưởng phòng Chính sách thuế tài sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài chính, cho biết mức thuế hiện hành đối với túi ni lông là 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông của Việt Nam là thấp nên chưa tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lông, nên cần tăng thuế với sản phẩm này.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Cụ thể, ở Anh và Ai Len, thuế tương đương 4.500 đồng/túi; Hồng Kông tương đương 1.050 đồng/túi… Với mức thuế như vậy, cũng hạn chế việc sử dụng túi ni lông là sản phẩm từ nhựa, giúp bảo vệ môi trường”, bà Nhung cho biết.
Bên cạnh đó, bà Nhung cũng chỉ ra, hiện nay việc theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi ni lông rất khó khăn do cơ sở sản xuất túi ni lông phần lớn (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ nộp thuế khoán, nên trên thực tế số thu thuế bảo vệ môi trường từ túi ni lông những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm này vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ việc hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường. Thường xuyên phát động các phong trào để cộng đồng hưởng ứng, bảo vệ môi trường.
Về chính sách, ngoài nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động phân loại, thu gom túi ni lông để tái chế, cần tìm ra vật liệu thân thiện với môi trường, dần thay thế túi ni lông. Đồng thời, đánh thuế cao sản phẩm từ nhựa để tiến tới hạn chế sử dụng, dần loại bỏ túi ni lông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.