Cấp 10 triệu liều vắc xin phòng chống bạch hầu cho Tây nguyên

10/07/2020 06:38 GMT+7

Theo Bộ Y tế , đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam.

Sáng 9.7, đoàn công tác của Bộ Y tế, do quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu, đã đến Gia Lai, làm việc với các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới

Cũng trong ngày 9.7, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chủ trì cuộc họp hội đồng chuyên môn bệnh truyền nhiễm sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, cho biết bạch hầu là bệnh “cổ xưa”, đang tái xuất hiện trở lại. Bệnh gần như không còn xuất hiện trong nhiều năm qua, do đó bác sĩ ít gặp, nhạy cảm lâm sàng không tốt sẽ dẫn đến chẩn đoán, điều trị sai. Do vậy, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới sẽ được xây dựng, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành để bác sĩ phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế số người tử vong.
Từ năm 2013 bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại khu vực Tây nguyên và có xu hướng tăng dần, trải rộng theo các năm. Chỉ trong vòng chưa đến một tháng qua, trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực này đã xuất hiện các ổ dịch bạch hầu và đang diễn biến phức tạp với 68 trường hợp dương tính, trong đó 3 ca tử vong. Đắk Nông là tỉnh có số người mắc bạch hầu cao nhất (28 ca), tiếp đến là Kon Tum (25 ca) và số bệnh nhân còn lại ở hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây nguyên, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc; tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ. Bên cạnh đó, nhằm chặn đứng và khống chế khả năng tái xuất hiện của bệnh bạch hầu một cách bền vững, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ khu vực Tây nguyên. Bộ Y tế giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương lập danh sách, tổ chức tiêm chủng lưu động. Bệnh viện Bạch Mai lập các tổ để hỗ trợ cho các địa phương trong hướng dẫn khám chữa bệnh.

Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, TP.HCM mời gọi trẻ em tiêm chủng

Chiều cùng ngày, tại H.Đăk Đoa (Gia Lai), lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo địa phương, ngành y tế của khu vực Tây nguyên đã phát động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu tại 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, cho biết kế hoạch tiêm chủng sẽ triển khai đồng loạt tại tất cả các xã, phường trên toàn địa bàn Tây nguyên ngay sau lễ phát động này. Đặc biệt không để vùng trắng về tiêm chủng.
Theo đó, có 10 triệu liều vắc xin sẽ được cung cấp để tiêm cho khoảng 5 triệu người. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại VN. Theo Bộ Y tế, nguồn vắc xin phòng bệnh được đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Dự kiến, ngay trong tháng 7 - 8, chiến dịch triển khai tiêm đồng loạt tại tất cả các huyện (11 huyện, thị) có ca bệnh bạch hầu của năm 2019 trở lại đây; tháng 9 - 11 mở rộng tiêm bạch hầu đến tất cả các huyện từng có ca bệnh bạch hầu từ năm 2013 đến nay và những huyện lân cận, tổng cộng 19 huyện; tháng 12.2020 - 2.2021 triển khai tiêm đến 20 huyện/thị còn lại. Việc tiêm chủng sẽ ưu tiên trước cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Vì đâu dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.