Cấp trên quyết liệt, bên dưới lơ là: Dân vẫn bị 'hành lên bờ xuống ruộng'

05/04/2019 05:18 GMT+7

Thành ủy, UBND TP.HCM xác định 2019 là năm đột phá cải cách hành chính , lấy sự hài lòng của dân làm thước đo chất lượng hoạt động công vụ. Thế nhưng, ở một số nơi, người dân khi làm thủ tục hành chính vẫn bị “hành lên bờ xuống ruộng”.

Hơn 4 năm chưa làm xong 1 hồ sơ
Chiều 21.2, khu vực giao nhận hồ sơ hành chính ở UBND Q.Bình Tân diễn ra khá tấp nập. Vừa bước ra khỏi nơi này, bà Lê Thị Kim Hoa (60 tuổi, ngụ P.15, Q.10) kể về nỗi thống khổ liên quan đến thủ tục nhà đất mà bà phải chịu đựng hơn 4 năm qua.
Theo trình bày của bà Hoa và theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2014, khi nhà của vợ chồng con gái ở H.Bình Chánh bị giải tỏa lấy đất phục vụ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, bà Hoa mua mảnh đất nông nghiệp rộng gần 240 m2 ở P.An Lạc (Q.Bình Tân) với giá hơn 300 triệu đồng để tạo dựng nơi ở mới. Trước khi mua, bà cẩn thận lên UBND Q.Bình Tân hỏi, thì được thông báo một phần của lô đất bị quy hoạch làm đường nên diện tích đất còn lại hơn 190 m2. Sau khi mua, bà Hoa lên Phòng
TN-MT Q.Bình Tân để làm thủ tục chuyển sang đất thổ cư, thì nơi này thông báo phải quy hoạch mở hẻm ở phía tây miếng đất. Sau đó UBND P.An Lạc gặp dân để vận động mở hẻm, và nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên, sau đó UBND P.An Lạc lại không mở hẻm ở phía tây mà mở hẻm ở phía bắc miếng đất, dẫn đến một số người dân ở khu vực này không đồng ý.
Nhìn vào chồng hồ sơ dày cộp cầm trên tay, bà Hoa kể hơn 4 năm qua đã phải lên UBND quận, phường tới mấy chục lần, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Tháng 9.2017, sau nhiều lần bà Hoa khiếu nại, UBND Q.Bình Tân chỉ đạo Phòng
TN-MT phối hợp UBND P.An Lạc hướng dẫn bà Hoa làm thủ tục chuyển đổi, nhưng khi bà lên thì hai bên cứ trả lời chung chung, bên này đùn đẩy bên kia. Việc không được chuyển đổi mục đích sử dụng khiến bà Hoa không thể xây nhà ở; vợ chồng con gái bà Hoa đành xuống tận Bến Lức (Long An) mua nhà, hằng ngày phải chạy xe gần 30 km từ Bến Lức lên Bến xe Miền Tây làm việc.
Cấp trên quyết liệt, bên dưới lơ là: Dân vẫn bị “hành lên bờ xuống ruộng”
Bà Lê Thị Kim Hoa phải chịu đựng nhiều khổ cực vì hơn 4 năm qua chưa làm xong 1 hồ sơ nhà đất Ảnh: T.H

“Sổ đỏ” có rồi vẫn hẹn... mấy ngày sau

Cũng trong ngày 21.2, PV Thanh Niên có mặt tại UBND Q.9 để ghi nhận việc giải quyết thủ tục hành chính. Tại khu vực đăng ký đất đai, chị Trần Thị Công Tâm (ngụ Q.9) than thở khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: “Tôi mới mua được miếng đất và tôi tự đi làm thủ tục. Đến Văn phòng đăng ký đất đai Q.9, tôi nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Phiếu hẹn của tôi là hôm nay. Từ sáng đến 11 giờ 30 phút, tôi ngồi chờ lấy “sổ đỏ”, đến lượt mình tôi đến hỏi thì cán bộ bảo có sổ rồi nhưng chưa mang xuống đây nên hẹn lại mấy ngày sau đến lấy”.
Tại Văn phòng đăng ký đất đai của UBND H.Bình Chánh sáng 19.3, anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa (35 tuổi, ngụ P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) vẻ mặt buồn rầu, ôm đống hồ sơ trên tay than thở: “Tôi ở Q.1, xuống đây lúc sáng sớm để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất trồng cây hằng năm, nhưng cán bộ ở đây nói không được phép. Tôi đã trình văn bản của UBND H.Bình Chánh về đất quy hoạch trồng cây hằng năm tại khu vực đất của tôi, nhưng họ vẫn nói không được”.
Anh Nghĩa cũng từng chịu đựng nỗi thống khổ hồ sơ hành chính về nhà đất bị trễ hẹn đến 2 lần tại Văn phòng đăng ký đất đai UBND H.Bình Chánh. Cụ thể, lần 1 hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ vào ngày 10.5.2018; lần 2 vào ngày 4.3.2019, nhưng khi đến, anh được… hẹn tiếp. Vì trễ hẹn, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai UBND H.Bình Chánh phải ký thư gửi xin lỗi anh Nghĩa.
Anh Nghĩa bức xúc: “Mỗi lần đi làm giấy tờ phải xin nghỉ nguyên ngày, chạy lui chạy tới mấy chục cây số. Nhưng rồi mỗi lần đến nộp hồ sơ, thì cán bộ nói thiếu giấy tờ này, giấy tờ kia, khiến người dân phải ôm hồ sơ về bổ sung giấy tờ, chứng từ đó mới lên nộp hồ sơ tiếp. Vì sao không hướng dẫn đầy đủ luôn một lần, vì sao khi trễ hẹn không báo cho dân biết qua tin nhắn mà cứ âm thầm chờ dân lặn lội tìm đến mới báo? Hành dân lên bờ xuống ruộng vậy sao mà dân hài lòng được. Chúng tôi không cần thư xin lỗi, mà chỉ cần hồ sơ được giải quyết đúng hẹn”.

Xử nghiêm cán bộ, công chức hành dân

Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính TP.HCM trong quý 1/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cải cách hành chính cần phải làm triệt để, đột phá, đồng bộ và tăng tốc. “Công chức khi thấy người dân phải xếp hàng làm thủ tục lâu, thì cần phải biết lo lắng và cần có suy nghĩ, sáng kiến để dân bớt cực, bớt khổ. Cán bộ, công chức cần phải coi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là thước đo hiệu quả, chất lượng công việc của mình”, ông Nhân nhấn mạnh.
Trong khi đó, thực tế theo đánh giá của Sở Nội vụ TP.HCM, số lượng hồ sơ trễ hẹn hiện vẫn còn cao, tập trung trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp… Có nhiều lý do dẫn đến hồ sơ trễ hẹn nhưng trách nhiệm chính là do lãnh đạo đơn vị chưa kiểm tra triệt để, người đứng đầu cơ quan chưa kiên quyết xử lý và có giải pháp giải quyết triệt để; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà. Điều này gây ra bức xúc cho người dân.
Với thực tế nêu trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ, công chức “hành dân”, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc lơ là trong quản lý dẫn đến chậm trễ công việc của dân, doanh nghiệp, thậm chí chậm trễ cả công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau. “Trong giải quyết thủ tục hành chính, việc giải quyết mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước ở một số nơi trên địa bàn TP có những câu chuyện rất bức xúc, còn tình trạng trễ hẹn và có những việc thấy rất khổ tâm. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019, thành phố sẽ tập trung chấn chỉnh tình trạng này một cách có hiệu quả”, ông Phong nói.
 

Lãnh đạo chủ động vào cuộc thì dân bớt bức xúc

Ngoài Q.9, Q.Bình Tân và H.Bình Chánh, PV Thanh Niên cũng đã ghi nhận tình hình giải quyết thủ tục hành chính ở Q.3, Q.4, Q.5, Q.12 và H.Hóc Môn. Những người đi làm hồ sơ được PV phỏng vấn đều trả lời chưa gặp khó khăn và kết quả được trả đúng hẹn.
Đáng chú ý ở H.Hóc Môn, trong năm 2018 tỷ lệ giải quyết hồ̀ sơ đất đai cho người dân bị chậm trễ chiếm đến 97%. Tuy nhiên, trong khoảng 3 tháng đầu năm 2019 (đến ngày 19.3) đã giải quyết được 1.107/1.400 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, mà trước đó những hồ sơ này bị “ngâm” từ 6 tháng đến 2 năm do vướng thẩm quyền ký cấp.
Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, từ đầu năm 2019 đến nay lãnh đạo huyện chỉ đạo tập trung rà soát phân loại ra từng hồ sơ bị tồn đọng, ưu tiên giải quyết những hồ sơ bị tồn lâu nhất. Sau đó, UBND huyện gửi thư xin lỗi đến từng người dân, đồng thời hẹn thời gian cụ thể về thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ. Đến nay còn lại khoảng 300 hồ sơ phức tạp về tính pháp lý, và huyện sẽ phải giải quyết dứt điểm trước ngày 15.4 cho người dân.
“Nếu không chủ động, tích cực tháo gỡ vướng mắc, giải quyết đúng hẹn thì phải thừa nhận và xin lỗi người dân trước, rồi sửa sai bằng cách xử lý dứt điểm cho người dân, chứ không chỉ xin lỗi rồi thôi. Huyện nhận thức về hồ sơ hành chính thì không nên để người dân chờ đợi từ năm này qua năm khác gây sự bức xúc; đồng thời phải đặt hoàn cảnh mình vào người dân mới hiểu được nỗi khổ của người dân để giải quyết cho kịp thời”, ông Thắng nói.
Liên quan trực tiếp đến hồ sơ của người dân mà PV Thanh Niên phản ánh, ngày 4.4, ông Lê Thành Phương, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (cấp trên của các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở 24 quận, huyện), cho biết sẽ kiểm tra và tập trung chấn chỉnh tình trạng “hành dân”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.