Cấp trên quyết liệt, bên dưới lơ là: Xử lý nghiêm cán bộ, công chức 'hành' dân

06/04/2019 06:52 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay sẽ giao Văn phòng UBND TP xem xét cụ thể những trường hợp để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, cố tình chây ì, kéo dài thủ tục hành chính để xử lý nghiêm.

Trả lời PV Thanh Niên chiều 5.4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay sẽ giao Văn phòng UBND TP xem xét cụ thể những trường hợp để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, cố tình chây ì, kéo dài thủ tục hành chính để xử lý nghiêm.

“Nghe 4 năm chưa làm được giấy tờ mà quá bức xúc”

Về câu hỏi Bình Tân được coi là quận giải quyết hành chính khá tốt, vừa được UBND TP khen nhưng có trường hợp người dân 4 năm không làm được giấy tờ liên quan đến nhà đất, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định thông qua những thông tin mà báo chí cung cấp, ông sẽ giao Văn phòng UBND TP xử lý gấp chứ “không thể chấp nhận tình trạng đó được”.
TP.HCM sẽ quyết liệt xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường hay tình trạng “hành dân” khi làm thủ tục hành chính Ảnh: Khả Hòa - Ngọc Dương
“Tôi nghe phản ánh thông tin người dân ở TP mà 4 năm lên xuống UBND quận nhiều lần nhưng chưa làm xong giấy tờ nhà đất như ở Bình Tân mà quá bức xúc. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người ta mới thấy khổ như thế nào. Từ đó mới thấy cần phải quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) ở TP được xem là chủ đề của năm”, ông Nguyễn Thành Phong nói và khẳng định nơi nào để xảy ra trì trệ, vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý.
Ông Nguyễn Thành Phong cho hay ở đơn vị nào mà người đứng đầu có chuyển động mạnh thì nơi đó sẽ có chuyển biến tốt về CCHC. Cho nên trong chủ đề năm đột phá CCHC của TP, UBND TP sẽ tập trung quyết liệt trách nhiệm của người đứng đầu với những chỉ tiêu cụ thể để đưa ra giải pháp. “Chứ nếu không cứ nói CCHC mà để tình trạng như báo nêu là không được. Khi nhận hồ sơ của doanh nghiệp hay người dân, nếu thấy hồ sơ hợp lệ thì anh phải giải quyết ngay, còn thấy hồ sơ chưa hợp lệ hay còn thiếu phải trả lời, hướng dẫn người dân bổ sung. Phải đưa ra thời hạn giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và người dân biết chứ không thể vô hạn mãi được”, ông Phong nhấn mạnh và cho biết sắp tới trong duyệt kế hoạch năm 2019 ở các quận huyện sẽ hết sức chú ý những vấn đề mà Báo Thanh Niên phản ánh.
Về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, ông Nguyễn Thành Phong cho hay vừa rồi họp về an toàn giao thông (ATGT), ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP, có báo cáo một số tuyến đường ký kết giữa Ban ATGT với các quận huyện thì có những quận làm tốt, nhưng cũng có những quận làm chưa tốt. Tại cuộc họp này, ông Phong đã giao Ban ATGT, rà lại những quận, tuyến đường xảy ra lấn chiếm chứ không thể có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. UBND TP sẽ xem xét cụ thể từng vụ việc, xem xét trách nhiệm để xử lý người đứng đầu quận huyện.
“Trong phần chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức TP, UBND TP sẽ không xem xét chi thêm thu nhập của người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đơn vị nào mức độ hài lòng của người dân đạt dưới 80% sẽ không được xem xét chi thu nhập tăng thêm. Sở Nội vụ sẽ là cơ quan giám sát mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền”, ông Nguyễn Thành Phong nói. Ông cũng cho biết về thu nhập chi tăng thêm năm 2018 hiện cán bộ, công chức đã được nhận; còn với lãnh đạo sở ngành, quận huyện đang còn “trên bàn” của Ban Cán sự Đảng UBND TP, để xem xét có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không.

Phải công khai xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, trong khi lãnh đạo TP thời gian qua quyết liệt, tập trung chỉ đạo, điều hành, phân cấp và phân quyền cụ thể liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực tế có những đơn vị, quận, huyện chuyển biến còn chậm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động công vụ, quyền lợi chính đáng của người dân, gây ra những bức xúc.
Nhắc lại những bài báo mà Thanh Niên vừa phản ánh về nạn tiêm chích ma túy “tái xuất” nơi công cộng, tái lấn chiếm lòng lề đường “bùng nổ”, vẫn còn tình trạng người dân bị “hành lên bờ xuống ruộng” khi làm thủ tục hành chính, ông Bình cho rằng TP cũng đã nhận diện vấn đề, và đã nhiều lần chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh “nhưng vấn đề vẫn là ở chỗ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở cơ sở trong việc giám sát, quản lý, tinh thần quyết liệt, chủ động giải quyết đến nơi đến chốn”.
Theo ông Bình, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp cơ sở khi đã nhận phân cấp, phân quyền, thì phải hành động có kết quả, chứ không phải nhận xong rồi để đó, khiến công tác điều hành, quản lý chung của TP bị ảnh hưởng, gây bức xúc. “TP có các tổ kiểm tra, giám sát liên quan đến hoạt động công vụ ở địa bàn cơ sở. Nếu phát hiện sự chậm trễ, nhũng nhiễu dân, buông lỏng quản lý…, thì cần mạnh dạn tham mưu, đề xuất TP xử lý trách nhiệm người quản lý địa bàn cơ sở ngay. Khi mạnh dạn xử lý trách nhiệm người đứng đầu như thế, sẽ góp phần tạo sự chuyển biến, chấm dứt tình trạng nói mà không làm. Phải công khai kết quả xử lý trách nhiệm đó để nêu gương, có tính răn đe hơn nữa. Những cái đó cần phải làm và làm quyết liệt”, ông Bình nói.
Liên quan đến trường hợp bà Lê Thị Kim Hoa (60 tuổi, ngụ Q.10) chịu nhiều khổ cực vì hồ sơ nhà đất hợp lệ của bà hơn 4 năm qua vẫn chưa được giải quyết xong, trả lời PV Thanh Niên ngày 5.4, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết ngay sau khi báo đăng, ông đã yêu cầu các bộ phận liên quan rà soát, báo cáo.
“Nếu sự chậm trễ này do cán bộ, công chức của quận thiếu trách nhiệm, làm khó hoặc làm sai, thì quận kiểm điểm xử lý ngay, thông tin kết quả cho Báo Thanh Niên. Q.Bình Tân cũng đang tập trung CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nguyện vọng chính đáng, góp phần tạo sự hài lòng của người dân. Cả TP đang cao trào cải cách công vụ, thủ tục hành chính, nếu anh làm không được thì phải bị rớt ra thôi”, ông Thinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.