Chạy 'bão' Covid-19: Oằn mình xoay trở

Trần Tiến
Trần Tiến
19/07/2021 05:30 GMT+7

Người lao động tại TP.HCM chưa bao giờ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như hiện nay. Nhiều người từ công việc giáo viên, văn phòng phải về nhà... ở không, hoặc tìm công việc “tạm bợ” mới để bám trụ.

Dịch Covid-19 với số ca nhiễm và điểm phong tỏa tại TP.HCM còn diễn biến phức tạp. Sau khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội, tiếp tục có nhiều khu vực phong tỏa ngắn hạn để tầm soát, truy vết F0 trong cộng đồng.

Nhớ con lắm nhưng phải cố

Khuya một ngày cuối tháng 6, trong một lần tác nghiệp tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 thuộc P.1 (Q.8), chúng tôi gặp anh Hồ Văn Giàu (29 tuổi) hối hả chạy vào xin lấy mẫu tầm soát.
Trán anh Giàu đẫm mồ hôi, hơi thở dốc, vừa vào anh liền hỏi cán bộ “còn lấy mẫu không” rồi trình bày lý do tới vào phút chót. Cuộc sống anh Giàu vẫn đang vật lộn với bữa đói bữa no giữa lúc dịch bệnh hoành hành. Anh cho biết mình vừa chạy nốt cuốc xe cuối cùng rồi về, khi tới cổng nhà trọ thì bà chủ “ới” anh ra lấy mẫu vì cả ngày nay không gặp để nhắc. Hành nghề chạy xe ôm công nghệ trong thời điểm dịch hoành hành nên từ sáng sớm anh Giàu đã lên đường cho đến tận khuya mới về.
Anh Giàu tâm sự nghề chính của anh trước kia là làm tiếp viên phục vụ trong một nhà hàng “xịn”, công việc tương đối thoải mái cộng thêm chạy xe ôm công nghệ ban đêm nên thu nhập cũng khá. Rồi dịch ập đến dồn dập buộc nhà hàng phải ngưng hoạt động, vừa nghỉ việc anh Giàu tập trung chạy xe ôm công nghệ để tiếp tục kiếm cơm.
Vì những biến cố của cuộc sống, anh không ở với vợ mà tự nuôi con nhỏ. Để tập trung kiếm tiền lo tương lai cho con sau này, anh Giàu quyết định gửi con về quê cho ông bà nội chăm và trụ lại TP.HCM tiếp tục mưu sinh. “Lúc trước thì ngày làm nhà hàng, đêm chạy Grab nhưng giờ thay đổi nhiều thứ. Nghề tay trái lại trở thành nghề chính. Còn nghề chính hiện nay phải ngừng do dịch”, anh kể.
Thu nhập bấp bênh, đi sớm về khuya, đối diện rủi ro khi lưu thông là điều mà anh Giàu cũng như bao tài xế xe ôm công nghệ khác thấm thía. Rồi dịch bùng phát, cánh tài xế lại gánh thêm nỗi lo tiếp xúc với F0 hoặc rủi ro hơn là nhiễm bệnh. Nhưng để mưu sinh, “cực chẳng đã” anh phải gắng gượng bám trụ lại TP.HCM với hy vọng sẽ sớm hết dịch, sớm ổn định công việc để lo cho con cái.
Chạy 'bão' Covid-19: Oằn mình xoay trở1

Anh Trần Bé Hai (26 tuổi) lo lắng vì vợ sắp sinh nhưng lại thất nghiệp

“Dịch mình không dám về nhà, nhớ con lắm nhưng phải cố. Mong thành phố sớm hết dịch để mọi người làm ăn, về quê thăm nhà, thăm gia đình”, anh Giàu mong mỏi.

Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản "xấu và xấu hơn" vì Covid-19

Vợ sắp lâm bồn, trong túi còn vài trăm ngàn

Khác với anh Giàu, anh Trần Hữu Ứng (giáo viên, trú tại P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức) đã gần 2 tháng nay phải ở nhà trông con cho vợ vì không kiếm được công việc làm thêm, mặt khác vì vướng con nhỏ.
Anh Ứng dạy thanh nhạc tại một trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tuy nhiên từ tháng 5 khi dịch Covid-19 hoành hành, anh cùng các giáo viên khác đều tạm nghỉ. “Bình thường thì tôi sẽ dạy thêm hoặc dạy kèm đàn cho các học viên. Nhưng dịch thế này thì không đi đâu được, nhà trẻ cũng ngưng nên tôi ở nhà chăm con cho vợ yên tâm đi làm công ty”, anh tâm sự.
Đã gần 2 tháng nghỉ dạy cũng khiến anh nhớ nghề, bức bối. Trách nhiệm thu nhập chính bây giờ lại đè nặng lên vai người vợ càng khiến anh thêm bùi ngùi. Thời gian này, mỗi ngày anh đều mang đàn guitar ra đàn hát vu vơ. Trong căn phòng trọ chỉ khoảng 18 m2, khán giả duy nhất nghe anh hát mỗi ngày là đứa con nhỏ ngồi trên xe tập đi.
Là thanh niên quê từ Sóc Trăng lên TP.HCM kiếm việc làm, anh Trần Bé Hai (26 tuổi) tìm được công việc sửa xe máy với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đồng lương tuy không cao nhưng nhờ tằn tiện cũng đủ trang trải cuộc sống. Căn phòng trọ nhỏ nằm tại khu phố 7, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức là nơi anh Hai cùng vợ và người cô cùng sinh sống. Với diện tích chỉ 20 m2 tính cả gác lửng nên mọi thứ sinh hoạt đều gò bó.
Biết là vậy nhưng anh Hai cũng “hết cách” vì đến công việc hiện tại anh cũng phải tạm ngưng vì dịch, tiền dư không có thì không muốn nghĩ đến việc chuyển đến nơi ở rộng rãi hơn. Éo le hơn khi những ngày dịch đỉnh điểm cũng là lúc vợ anh sắp lâm bồn. Tâm sự với chúng tôi, anh Hai thủ thỉ: “Vợ em còn 3 - 4 ngày nữa là sanh rồi, em thì gần 2 tháng nay loay hoay tìm việc khác mưu sinh nhưng không kiếm được. Bà cô cùng phòng cũng điêu đứng như mình. Giờ trong túi còn vài trăm nghìn không biết có đủ lo cho vợ đẻ không nữa”.
Chạy 'bão' Covid-19: Oằn mình xoay trở3

Chị Quách Thị Nhật Thi (25 tuổi, trú Q.Bình Thạnh) đăng ký hỗ trợ đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Q.Bình Thạnh

Đã thế, khu vực P.Hiệp Bình Chánh những ngày này đang phong tỏa vì liên quan đến các ca nhiễm ngoài cộng đồng khiến anh Hai rất khó khăn để xin ra ngoài... xin nhu yếu phẩm từ thiện. “Mình thất nghiệp mình muốn về nhà nhưng dịch bị mắc kẹt lại ở đây. Cũng may ông chủ trọ thương nên giảm 50% tiền thuê nên cũng đỡ áp lực tiền”, anh tâm sự.

Mong thành phố sớm hồi phục

Còn với bà Đặng Thị M.H (60 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), dịch Covid-19 khiến đôi vai bà càng nặng trĩu hơn. Hàng chục năm nay bà mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. TP.HCM những ngày chưa dịch, bà H. có thể bán vài trăm tờ mỗi ngày nên cũng có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.
Thế nhưng khi dịch ập tới, vài chục tờ vé số mỗi ngày đã là cực hạn. Số tiền ít ỏi đó chỉ bằng 3 phần những ngày trước dịch nên bà H. phải kiêm thêm nghề nhặt ve chai kiếm thêm để mua bó rau, con cá. Nắng mưa thất thường vào những ngày này khiến bà càng trở nên lam lũ hơn.
Bà H. cho biết mình đang sống cùng chồng tại P.Hiệp Bình Chánh, căn nhà trọ do các con trả tiền thuê nhưng cuộc sống mưu sinh bà vẫn tự bươn chải. Người chồng mắc bệnh tâm thần nên bà H. cũng không dám đi xa mà chỉ bán vé số dạo loanh quanh khu vực gần nhà để tiện trông nom chồng.
Nhiều người trẻ đang mưu sinh tại TP.HCM thì lại chọn hướng đi khác khi công việc bị ngắt quãng do dịch. Chị Nguyễn Quách Nhật Thi (25 tuổi, trú tại Q.Bình Thạnh) trước đây làm tại một công ty bất động sản trên địa bàn Q.Bình Thạnh với mức lương đủ trang trải cuộc sống. Và như bao người khác, dịch Covid-19 khiến công việc của chị trở nên bấp bênh. Thay vì kiếm việc làm thêm hoặc ở nhà tránh dịch, chị chọn xin làm tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn Bình Thạnh.
Theo chị Thi, thời điểm dịch căng thẳng như hiện nay, được hưởng lương vài chục phần trăm như chị đã là “số đỏ” so với nhiều người lao động. Thay vì ngồi chờ dịch kết thúc, chị muốn chủ động góp chút công sức vào công tác chống dịch cho TP.HCM. Khi có thông tin cần nhân lực hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, chị Thi liền gọi điện đăng ký. Từ khu cách ly tập trung, chị kể mình học được nhiều thứ hơn qua những ngày hỗ trợ đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm và cảm thấy tự hào vì mình cũng góp một phần công sức vào công tác phòng chống dịch.
“Mình chỉ làm vài ngày nhưng có được nhiều bài học. Mình tình nguyện đến tham gia để hiểu được nỗi khó khăn của đội ngũ y tế tại tuyến đầu chống dịch Covid-19. Riêng mình sau khi làm tình nguyện cũng không được về nhà trọ mà phải cách ly tập trung 21 ngày. Hiện nay mình đã chấp hành được 7 ngày, mong thành phố sớm hồi phục để mọi người đi làm”, chị Thi kể qua điện thoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.