Chạy 'bão' Covid-19: Bùi ngùi chợ vãn

17/07/2021 08:30 GMT+7

Với nhiều người, sáng 7.7 tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là buổi sáng 'lịch sử'. Họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh chợ hắt hiu như thế.

Nán lại đôi giờ

Chúng tôi thức trắng từ đêm 6.7. Rạng sáng 7.7, cũng sau một đêm thức trắng bán bữa cuối trước khi chợ tạm ngừng hoạt động để phòng dịch, các tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức tất bật đóng cửa hàng, dọn hết hàng hóa ra khỏi chợ.
Họ có 12 tiếng đồng hồ (từ 8 - 20 giờ ngày 7.7) để dọn hàng. Nhưng đến khoảng 8 giờ sáng 7.7, các khu nhà lồng đã vắng bóng hầu hết các tiểu thương. Đảo quanh khu chợ hơn 20 ha này, có thể đếm trên đầu ngón tay sạp hàng nào còn mở để phân phối cho các người mua bán nhỏ lẻ. Ở một vài sạp hàng bán rau củ, nhiều người phải xếp hàng đợi lấy, than vãn chuyện “hàng hiếm” nên lên giá.

Người Sài Gòn ra bưu điện… mua lương thực bình ổn giá từ sáng sớm

Chị B.Y, một chủ sạp hàng ở khu chợ B (chuyên ngành hàng rau củ quả), hay tin chợ đóng cửa lúc 19 giờ ngày 6.7. Buôn bán tất bật cả đêm, sáng ra chị vẫn còn nán lại thêm đôi giờ để bán cho xong mấy túi cà, hành.
“Tôi ráng bán đó, nhưng có ai vô chợ nữa đâu. Tối qua lo túi bụi bán cho xong, chợ đông quá nên không trông coi gì được, đến khi ngồi nghỉ mới phát hiện mất cái xe đẩy. Có lúc người ta đi mua hàng như là… ăn cướp vậy, kiểu đưa hàng ra là người mua giựt trên tay mình khi mình chưa kịp nói gì”, chị B.Y lắc đầu.
Hỏi giá cả sạp hàng của chị bán thế nào, chị B.Y bảo thoạt đầu chị bán bình thường, đến khi không còn hàng nữa, chị mới dám tăng giá. “Ví dụ như tôi có bán bí đỏ lên 11.000 đồng/kg, nhưng có chỗ còn đẩy giá tới 22.000 đồng/kg. Đến hừng đông còn mấy trái, thấy mấy người kéo xe thương quá, nên cho mỗi người 1 - 2 trái luôn”, chị quày quả cân thêm vài món hàng cho vị khách cuối, rồi bùi ngùi nói: “Tôi bán ở chợ này chục năm, chưa bao giờ chứng kiến cảnh nào như hôm qua, chưa nghỉ phép ngày nào, vậy mà giờ phải dọn hàng đi vì dịch, chưa biết ngày chợ mở lại. Nhưng thôi, quan trọng vẫn là sức khỏe của mình”.
Chạy 'bão' Covid-19: Bùi ngùi chợ vãn1

Tiểu thương tranh thủ dọn hàng khi chợ đóng cửa

ẢNH: S.M

Còn chị N., tiểu thương tại khu chợ A (chuyên ngành hàng trái cây) đang luôn tay luôn chân phân phối các thùng cam cho những người mua nhỏ lẻ. Chị bảo do sắp tới “chợ cúng” (phiên chợ bán được nhiều hàng cho dịp cúng kiếng mùng 1 hằng tháng), lại thêm chuyện hôm qua nhận thông tin hơi trễ, chị lấy nhiều thùng hàng, nên sáng nay vẫn còn hàng tồn. “Thế nên giờ mới nán lại, thanh lý cho xong ề (đống) hàng này. Mà không chỉ có tôi đâu, còn nhiều anh chị em thương nhân cũng căng mình bán hết số hàng lỡ lấy hôm qua”, chị N. nói.

Nhậu xỉn, chạy ô tô ra đường ngày giãn cách, 3 người bị CSGT phạt 41 triệu

Không chỉ tiểu thương, những người dân buôn bán nhỏ lẻ vốn sống chủ yếu nhờ các nguồn hàng trong chợ phân phối, sáng 7.7 cũng muộn phiền không kém. Anh N.V.H đã lái xe ba gác chạy vòng vòng khu chợ này từ hồi 7 giờ sáng, với hy vọng sẽ tìm được sạp hàng nào còn mở cửa. Anh H. nói đáng lý tầm giờ này, chợ vẫn còn buôn bán tấp nập lắm, giờ nhìn đâu cũng thấy các tấm bạt phủ hàng, bảng treo tạm nghỉ.
“Tôi lấy hàng bán nhỏ lẻ ở Q.Tân Bình. Giờ chợ tạm đóng cửa, không biết mấy ngày tới bán sao, sống sao…, nhưng tôi còn may mắn chứ nhiều người chạy chục cây số tới đây phải quay về tay không đó”, anh H. nhíu mày.
Chúng tôi nhìn lên chiếc xe ba gác chở hàng của anh H., thấy chất gọn một góc vỏn vẹn 2 túi khoai tây và 3 túi cà rốt.
Chạy 'bão' Covid-19: Bùi ngùi chợ vãn3

Nhiều người mua nhỏ lẻ tranh thủ lấy những thùng cam cuối cùng sáng 7.7

ẢNH: P.T.N

Chơ vơ giữa chợ

Bà Trần Thị Hợp (57 tuổi, quê Thái Bình), một người thu mua ve chai trong chợ này đã 7 - 8 năm, ngồi bệt chán nản đợi xe ba gác vô chở hàng.
Chiếc khăn vẫn chít chặt trên đầu, bà Hợp nói mua nó ở ngoài quê Bắc, khoe khăn này ở quê bà phụ nữ dùng để chặn mồ hôi trên đầu xuống mắt. 10 năm rồi bà đã rời quê, lúc bà đi, con bà vẫn còn đang tuổi đi học. Bà kể lại: “Hồi ở Thái Bình làm ruộng khó khăn, thất bát quá nên vào trong này chứ chồng tôi vẫn làm thợ xây ngoài ấy. Vô đây, ban đầu tôi đi giúp việc, sau đó mới đi thu mua ve chai. Thường thì tết tôi sẽ bay về, nhưng hai năm dịch giã tới nay, tôi chôn chân ở Sài Gòn”.
Chạy 'bão' Covid-19: Bùi ngùi chợ vãn4

Bà Hợp chờ xe đến chở ve chai đi

ẢNH: SONG MAI

Chưa bao giờ bà Hợp hình dung ra cảnh vãn chợ như sáng 7.7. Bà kể, ngày trước, sáng nào bà cũng thức đúng 3 giờ để ra chợ nhặt ve chai, sau đó thu mua thêm đến tầm 15 - 16 giờ mới về. “Giờ chợ vắng quá, chỉ thấy có xe tải, xe ba gác thôi. Tôi ở với gia đình con trai, thuê nhà 3 triệu đồng/tháng. Tuổi tôi giờ chỉ làm công việc thu mua ve chai này. Từ lúc bùng dịch, đi làm bữa đực bữa cái, sợ lắm nhưng phải đi làm để giữ mối và đóng tiền điện nước, sinh hoạt nữa. Gia đình con tôi thất thu rồi”, bà Hợp nói.
Gạn hỏi bà Hợp mong muốn tương lai, bà bảo có nghe trên báo đài chuyện nhà nước hỗ trợ Covid-19, nhưng bà được nhận hay không cũng không sao, vì bà nghĩ bà vẫn kiếm được đồng ra đồng vào. “Còn nhiều người khổ hơn mình, tôi cũng có thể nhường chứ 1, 2 tháng tôi vẫn ráng sống được, chủ nhà trọ mới cho tôi thêm 25 kg gạo, ăn nhín một chút cũng được. Quan trọng dịch thế này rồi, tôi mong chính quyền thành phố tiêm vắc xin Covid-19 đại trà người dân, an toàn cho bản thân và cho xã hội nữa”.
(còn tiếp)
TP.HCM có 3 khu chợ đầu mối chuyên về nông sản, thực phẩm lớn nhất, gồm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.Thủ Đức), chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn). Hiện nay cả 3 khu chợ này đều đã đóng cửa vì có ca nhiễm Covid-19, chưa định ngày mở lại.
Sở Công thương TP.HCM cho biết thành phố sẽ dành 3 vùng đệm tại H.Củ Chi, TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về, sau đó trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống còn hoạt động. Nhiều thương nhân cũng chuyển sang các hình thức giao dịch như bán hàng qua điện thoại, trực tuyến…
Chiều 12.7, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) có phương án điều tiết, phân luồng để trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. Chợ sẽ tiếp nhận và tổ chức 18 điểm đăng ký thực hiện trung chuyển hàng hóa với số lượng khoảng 150 thương nhân và người phụ việc.
Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho hay các hoạt động trung chuyển tại đây phải đảm bảo nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch như tài xế vào phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực 72 giờ, chỉ được ngồi trên xe để giao nhận hàng hóa; công ty sẽ phun xịt khử khuẩn và vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực sau khi kết thúc thời gian trung chuyển hàng hóa mỗi ngày…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.