Chính khách Vũ Mão, người khao khát đổi mới

03/06/2020 08:00 GMT+7

Chính khách Vũ Mão là người đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh để đổi mới Quốc hội, cũng là để đổi mới đất nước.

Là người tham gia tới 5 nhiệm kỳ T.Ư Đảng (từ khóa V đến khóa IX), trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, song ở bất cứ đâu, anh Vũ Mão cũng là con người có bản lĩnh, trí tuệ, sáng kiến, nhiệt huyết với công việc.

Thủ lĩnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Anh Vũ Mão bắt đầu sự nghiệp với cương vị trưởng ty thủy lợi rồi sang làm bí thư huyện ủy một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh, trước khi làm Bí thư Tỉnh đoàn rồi về T.Ư Đoàn với cương vị Bí thư phụ trách công tác tổ chức. Tháng 4.1982, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thay Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo sang làm Trưởng ban Khoa giáo T.Ư Đảng.
Có lần ngồi với ông Đặng Quốc Bảo, tôi được biết cùng thời điểm "nhắm" anh Vũ Mão đưa về T.Ư Đoàn để thay mình, ông Bảo còn “nhắm” nhiều thủ lĩnh khác đang nổi trong công tác lãnh đạo Đoàn ở các địa phương như Hải Phòng, Kiên Giang... Nhưng rồi, anh Vũ Mão được xem là ứng viên sáng giá nhất để ông giới thiệu với T.Ư người thay mình. Ngày đó, với phong cách quyết đoán của Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo, ông đã giới thiệu ai thì xem như Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ủng hộ bởi uy tín của mình trong T.Ư.
Dấu ấn mà anh Vũ Mão để lại với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, theo như anh Nguyễn Tiến Võ, nguyên Chánh văn phòng T.Ư Đoàn ngày đó, thì phải nhắc đến việc anh là người khởi xướng phong trào công trường thanh niên cộng sản xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Đây là một dấu son của phong trào thanh niên trong thời kỳ mới. Tiếp đó là việc anh đặc biệt quan tâm đến công tác thanh thiếu niên trong các trường học cũng như đưa công nghệ tin học (máy tính) vào đời sống lớp trẻ vì khi đó, đây là lĩnh vực rất mới lạ của đời sống xã hội nước ta.
Anh Vũ Mão đã ký quyết định thành lập Tuần tin Thanh Niên (tiền thân của Báo Thanh Niên) trong một bối cảnh về cơ bản thì cũng ủng hộ nhưng vẫn có không ít ý kiến băn khoăn. Anh từng kể, khi đó, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng và Bộ VH-TT có vẻ băn khoăn, thậm chí còn đặt thẳng vấn đề với vị thủ lĩnh thanh niên Vũ Mão khá nặng nề rằng, liệu anh có dám mang sinh mạng chính trị của mình ra đảm bảo cho tờ báo đó không? “Đương nhiên là tôi cũng không phải trả lời dứt khoát câu hỏi đó. May thay mọi trở ngại đều vượt qua được. Và tôi vẫn tự hào rằng tờ Thanh Niên đã đi từ không đến có”, anh Vũ Mão hồi tưởng.

“Dấu son nghị trường”

Sau khi giữ trọng trách Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn một nhiệm kỳ, cuối năm 1987, anh Vũ Mão được Bộ Chính trị phân công, giới thiệu sang Quốc hội làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Là người nhiệt huyết với công việc theo phong cách cán bộ Đoàn, đồng thời cũng hay có chính kiến và sáng tạo trong công việc, anh không ngại bày tỏ suy nghĩ của mình đề đạt lên cấp trên, cho dù có thể là chuyện rất nhạy cảm, ít người dám nói nếu muốn mình được an toàn cho sự nghiệp chính trị.
Có một chuyện anh từng viết hồi ký là việc tranh cử chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng ngày nay) giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII (6.1988). Theo như thông lệ thì Ban Chấp hành T.Ư sẽ giới thiệu 1 người ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cụ thể T.Ư giới thiệu ông Đỗ Mười, lúc đó đang là Thường trực Ban Bí thư.
Thế nhưng, khi bàn nhân sự, các đại biểu Quốc hội lại có nguyện vọng giới thiệu thêm cả ông Võ Văn Kiệt để hai chọn lấy một. Chúng ta ngày đó không có tiền lệ như thế nên anh Vũ Mão thành thực báo cáo kết quả tổng hợp từ các tổ thảo luận với Bộ Chính trị và khéo léo thể hiện ý tứ của các đại biểu Quốc hội vào.
Kết quả là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cho tới nay chúng ta đã có một cuộc “tranh cử” chức vụ Thủ tướng tại Quốc hội, trong đó vai trò của anh Vũ Mão là không nhỏ. Nếu không phải là anh Vũ Mão đề nghị với tư cách Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan tham mưu cho Quốc hội thì có ai dám mở lời như anh, dù mới nhận trọng trách này chưa được nửa năm?
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên thư ký cho anh Vũ Mão, khẳng định anh Vũ Mão là người đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh để đổi mới Quốc hội, cũng là để đổi mới đất nước. Từ việc biểu quyết bằng hệ thống điện tử thay vì bằng cách giơ tay, phát biểu qua hệ thống micro tại chỗ thay vì phải lên bục, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, thúc đẩy hoạt động điều trần ở các ủy ban... đều là những bước tiến mà anh thúc đẩy. Những việc như trên giờ đã trở thành hiển nhiên ở Quốc hội, nhưng quả thực, chúng đã trở thành hiển nhiên nhờ có sự dấn thân của anh. Anh cũng chính là người đã thúc đẩy chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho Quốc hội và HĐND các cấp. Nhờ đó, tri thức mới về quản trị quốc gia, về nhà nước pháp quyền, về tổ chức và vận hành quyền lực lập pháp, về thủ tục của nghị viện... đã được đưa vào hệ thống và được vận dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Tổ chức lễ tang ông Vũ Mão theo nghi thức cấp cao

Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, sau một thời gian lâm bệnh, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đã từ trần hồi 1 giờ 39 ngày 30.5.2020 (tức ngày 8 tháng 4 năm Canh Tý) tại nhà riêng.
Ông Vũ Mão sinh ngày 19.12.1939 tại Hà Nội; quê quán xã Hải Anh, H.Hải Hậu, Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1950, gia nhập Đảng Cộng sản VN năm 1962. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX, X, XI; đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Với những cống hiến trong công tác, ông được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng ba, Huân chương Công trạng hạng nhất, Huân chương Đại tướng quân của Vương quốc Campuchia, Huân chương Issara hạng nhất của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Huân chương Mặt trời mọc của nhà vua Nhật Bản.
Lễ tang ông Vũ Mão được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì. Lễ viếng từ 7 giờ đến 10 giờ 45 ngày 3.6.2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu tổ chức vào hồi 10 giờ 45; di quan vào hồi 11 giờ 15 cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Thiên Đức, H.Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Lê Hiệp 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.