Khi đại biểu Quốc hội trở thành người 'đi chợ trả giá'

Vũ Hân
Vũ Hân
21/11/2019 10:21 GMT+7

“Tôi khẳng định 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến (chỉnh lý luật )… Một điều đáng buồn nữa, có vị lãnh đạo bộ gây sức ép cho đại biểu Quốc hội khi đại biểu phát biểu trái với quan điểm của bộ mình”.

Có Bộ trưởng gây sức ép với đại biểu phát biểu trái quan điểm

Phát biểu tại hội trường khi thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nguyên là Phó chánh án Tòa án quân sự Trung ương, “với tư cách đại biểu đã trực tiếp tham gia chỉnh lý luật từ đầu kỳ đến giờ” đã nêu 2 vấn đề bức xúc trong công tác xây dựng luật hiện nay.
Thứ nhất là việc “đổi vai” cơ quan giải trình, tiếp thu luật từ Quốc hội như hiện hành sang Chính phủ (quy định tại điều 74, 75, 76, 77 của dự thảo), đại biểu cho rằng nếu chọn phương án đổi vai là “Quốc hội mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật”.
“Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua, tôi khẳng định 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu (ý kiến góp ý luật của đại biểu Quốc hội). Khi đấy, đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có bán hay không là quyền của họ”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.
“Một điều đáng buồn nữa”, theo ông Bộ, là “có vị lãnh đạo bộ gây sức ép cho đại biểu Quốc hội khi đại biểu phát biểu trái với quan điểm của bộ mình”. Do đó, nếu bây giờ Quốc hội chọn phương án “đổi vai” thì Quốc hội mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật.

Đại biểu phát hiện ra luật yếu kém, đề nghị trả lại nhưng không được chấp nhận

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, vấn đề luật bất cập, yếu kém hiện nay có có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là yếu tố con người, kể cả (năng lực của) cán bộ vụ, kể cả đại biểu.
Thứ hai, là một số uỷ ban không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dù Phó chủ tịch “năm nào cũng kết luận” là “kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng”.
“Đại biểu phát hiện nhiều luật chất lượng không bảo đảm, nhưng khi chúng tôi đề nghị (trả lại) thì gần như không được ủng hộ. Bất cập là ở chỗ đó”, theo đại biểu Bộ, chứ không phải do “vai” giải trình, tiếp thu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, cũng có quan điểm tương tự, và cho biết: phương án đổi vai không phải mới, vì trước đây Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội không chấp nhận.
Đại biểu Hoa cho rằng, nếu để cơ quan trình luật chủ trì tiếp thu luôn thì sẽ khó đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm bảo vệ đến cùng các chính sách của Chính phủ khi trình luật; và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu, nhất là trường hợp chỉ đạo của Chính phủ và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác nhau.
Thêm vào đó, theo đại biểu Hoa, khi chủ thể giải trình không phải là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì rất khó định lượng được sự ủng hộ của đại biểu để thông qua luật, nhất là khi việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội không thỏa đáng..
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.