Sao bộ trưởng cứ phải là đại biểu Quốc hội ?

30/10/2019 05:44 GMT+7

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đặt ra câu hỏi trên và nói ông muốn chuyển 'phần' là đại biểu Quốc hội cho các đại biểu chuyên trách để tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Cơ chế như hiện nay, ĐBQH sẽ là “trái tim yếu đuối”

Thảo luận tại tổ về luật Tổ chức Quốc hội (QH) sửa đổi ngày 29.10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà (đại biểu QH (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng đã đến lúc xem xét lại vấn đề ĐBQH chuyên trách. Theo ông Hà, các ĐBQH từ phía cơ quan Chính phủ như bộ trưởng, sau này dự kiến bổ sung cả chủ tịch UBND tỉnh thì sẽ gây khó khăn cho công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan Chính phủ cũng như địa phương. “Phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch UBND phải là ĐBQH không? Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để QH không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu (ĐB) chuyên trách của QH, đặc biệt là những ĐB chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật”, ông Hà nói và nhấn mạnh sự thay đổi này là cần thiết.
Từ quan điểm này, Bộ trưởng TN-MT đề nghị không chỉ giữ tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là 35% như dự thảo luật mà phải tăng lên 50%, thậm chí là 60% để đội ngũ ĐBQH có vai trò khác đi. “Bây giờ tại sao các ĐBQH chuyên trách không thấy những vấn đề bức xúc của đất nước, những vấn đề có tính chất liên vùng, liên ngành để cùng nhau xây dựng các văn bản pháp luật mà cứ để cơ quan hành pháp xây dựng, bảo vệ và nhiều ý kiến hiện nay còn đòi họ có trách nhiệm đến cùng”, ông Hà nói và cho rằng cần phải có những bộ luật mà các cơ quan chuyên trách của QH xây dựng.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị quy định thẳng vào luật tỷ lệ ĐB chuyên trách cao hơn để có cơ sở pháp lý cho việc tăng số ĐB này. Theo bà Tâm, hiện nay các cán bộ, công chức có nhiều mối ràng buộc nên nếu không phải là ĐB chuyên trách thì khi phát biểu luôn phải rất cân nhắc vì sợ đụng chạm, ảnh hưởng. “Tôi cũng có nghe một số ĐB nói lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo bộ cũng có khuyến cáo đừng nói vấn đề này, đừng nói vấn đề kia làm ảnh hưởng đến quyền lợi của địa phương, cơ quan”, bà Tâm nói và cho rằng khi ĐB hoạt động chuyên trách sẽ chuyên tâm và hiệu quả hơn.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của QH, cũng nhấn mạnh “cứ cơ chế như hiện nay thì ĐB là trái tim của QH nhưng là trái tim yếu đuối”, vì ĐB dân cử không hoàn toàn là dân cử, không hoàn toàn là chính khách, mà họ còn là công chức của các cơ quan hành pháp và tư pháp, mới dẫn đến câu chuyện phát biểu theo kiểu lợi ích nhóm trong QH.

"Cảm giác" lãnh đạo địa phương “đè” lên Đoàn ĐBQH

Một trong những vấn đề cũng gây ra nhiều tranh luận là đề xuất chính quyền địa phương chi lương, kinh phí hoạt động cho ĐBQH chuyên trách địa phương và đoàn ĐBQH trong dự thảo luật. ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng phải coi đoàn ĐBQH là một bộ phận của QH đặt ở địa phương, chứ không thể coi là một cơ quan của địa phương. “Dự thảo quy định các điều kiện đảm bảo hoạt động của đoàn ĐBQH và ĐBQH đẩy hết về địa phương tôi thấy không hợp lý. Từng địa phương vẫn có độ vênh nhất định (giữa đoàn ĐBQH và chính quyền địa phương - PV). Có anh Trọng làm chủ tịch địa phương đây (ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - PV), đoàn ĐBQH tỉnh xin anh kinh phí để đi giám sát chính anh chắc là khó”, ông Quý nói.

Băn khoăn bỏ HĐND cấp phường, xã

 
Bày tỏ băn khoăn về việc thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp phường tại Hà Nội trong thảo luận tại tổ ngày 29.10, ĐB Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng: “Giờ vướng cái gì ta hay đổ cho HĐND. Trước đây ta đã thí điểm 6 năm không tổ chức HĐND cấp quận, phường; sau đó không tổng kết được thì lờ luôn. Giờ lại lấy Hà Nội thí điểm.
Quá trình hoạt động vừa qua không biết ra sao, giờ bỏ HĐND phường. Bản thân HĐND họ có lỗi gì không? Ta vẫn coi phường là một cấp chính quyền (vì vẫn gọi là UBND phường), nhưng giờ hoạt động theo cơ chế thủ trưởng. Nếu không thận trọng, sau này có vấn đề gì, khắc phục hậu quả là ghê gớm”, ĐB Đặng Thuần Phong nói và cho rằng trong giai đoạn này chúng ta đang muốn kiểm soát quyền lực mà lại bỏ HĐND phường là trái lại với xu hướng đó, nên ông cảm thấy rất băn khoăn.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt vấn đề: “Vậy bây giờ biết cái nào là hoạt động coi là của QH để ngân sách T.Ư bảo đảm, cái nào là hoạt động của đoàn ĐBQH để ngân sách địa phương bảo đảm. Ví dụ như Đoàn ĐBQH tiếp công dân ở địa phương thì là hoạt động của QH hay hoạt động của địa phương?” và cho rằng: “ĐBQH và đoàn ĐBQH là thực hiện chức năng của QH mà yêu cầu ngân sách địa phương phải bảo đảm là hoàn toàn không đúng”.
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ cá nhân ông cảm nhận “từ trước tới nay chúng ta có nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng đắn đường lối của Đảng cũng như quy định của pháp luật về vị trí, vai trò của QH cũng như của ĐBQH. “Chúng ta đã không có đối xử một cách đầy đủ và đúng đắn với các thiết chế do QH đặt ra. Có cảm giác lãnh đạo địa phương “đè” lên đoàn ĐBQH, ĐBQH”, ông Nhưỡng nói và đề nghị cần phải có sự thay đổi và nhận thức lại. Theo ông Nhưỡng, nếu như dự thảo hiện nay, cán bộ và kinh phí của đoàn ĐBQH đều do chính địa phương bảo đảm thì không thể khẳng định được vai trò của đoàn ĐBQH, của ĐBQH mà chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. “Nhiều ĐBQH không phát huy được vai trò vì “toàn bộ vận mệnh chính trị, vị trí, quyền lợi của các đồng chí gắn với địa phương và địa phương chi phối thì làm sao Quốc hội hoạt động được”, ông Nhưỡng phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.