Thủ tướng và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn Quốc hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/10/2019 04:21 GMT+7

Thủ tướng cùng 4 bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Công thương, NN-PTNT và TT-TT sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp 8 của Quốc hội vào tuần tới.

Ngày 28.10, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc thông báo về kết quả lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 8 của QH đang diễn ra.
Theo đó, trên cơ sở kết quả 75 vấn đề kiến nghị từ các đoàn đại biểu (ĐB) QH, ý kiến cử tri, thông qua báo cáo của MTTQ VN, Văn phòng QH đã tập hợp thành 5 nhóm vấn đề đề nghị chất vấn, xin ý kiến các ĐBQH bao gồm: nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực NN-PTNT, nội vụ, công thương và TT-TT.
Kết quả, lĩnh vực nội vụ được nhiều ĐBQH lựa chọn nhất với 85%. Tiếp theo là lĩnh vực công thương với 82,4% ĐB lựa chọn; thứ 3 là lĩnh vực NN-PTNT với 78% ĐB lựa chọn; lĩnh vực TT-TT có 77% ĐB lựa chọn còn lĩnh vực thanh tra xếp ở vị trí cuối cùng với 70% số ĐB lựa chọn.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại phiên chất vấn dự kiến diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ sáng 6.11 tới hết ngày 8.11. Như thông lệ tại các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia trả lời chất vấn cùng các bộ trưởng vào cuối phiên chất vấn.

Chất vấn về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

Về nội dung chất vấn đối với từng lĩnh vực, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ bao gồm: sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức và công tác đánh giá cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ có trách nhiệm trả lời chính. Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, bộ trưởng các bộ: Tư pháp, Tài chính, GD-ĐT, Y tế sẽ cùng tham gia trả lời về nội dung này.
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương sẽ do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chính với các nội dung về: công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, nội dung chất vấn còn có hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT sẽ trả lời về quản lý mạng xã hội

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực NN-PTNT, gồm: chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; xuất khẩu nông sản, thủy sản. Ngoài ra, còn có công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ lần đầu tiên đăng đàn, ngồi “ghế nóng”. Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung chất vấn lĩnh vực này gồm: công tác quản lý báo chí; quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.

Người đang bị thanh tra, kiểm tra sẽ không được xuất cảnh

Trong ngày 28.10, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH và căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”; “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án”; “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói, ông rất chia sẻ việc gần đây có những trường hợp đáng lẽ phải ngăn chặn thì lại không ngăn chặn được nên bổ sung quy định tạm hoãn xuất nhập cảnh là cần thiết. Tuy nhiên, theo ĐB Nghĩa, khi nói “có đủ căn cứ xác định” để đưa một đối tượng vào diện tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải làm rõ căn cứ này do ai quyết định và trong trường hợp quyết định này sai, sẽ giải quyết ra sao. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.