Xây dựng luật không phải để tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho thanh niên
Trình bày tờ trình dự án luật Thanh niên sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10.9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, dự thảo luật đề xuất 7 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trong đó có quy định về đối thoại thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; trách nhiệm thanh niên trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của nhà nước với một số nhóm thanh niên đặc thù;...
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật sửa đổi, cho hay thường trực Ủy ban này đồng tình với sự cần thiết phải sửa luật Thanh niên sau 13 năm thực hiện, cũng như các đề xuất luật hóa quy định về đối thoại thanh niên, Tháng Thanh niên...
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo xác định lại cách tiếp cận việc xây dựng các nội dung về quyền, nghĩa vụ và chính sách cho thanh niên một cách khoa học, và có giá trị trong thực tiễn thi hành.
|
“Mục đích chính của việc xây dựng quyền, nghĩa vụ cũng như chính sách đối với thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Bình nêu.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho hay, việc dự thảo luật liệt kê quyền, nghĩa vụ và các chính sách theo từng lĩnh vực sẽ dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành, vì hiện nay thanh niên là đối tượng chịu tác động của hầu hết các luật.
Ngoài ra, các chính sách mà dự thảo luật đưa ra còn chung chung, gắn với một chủ thể khó xác định trách nhiệm pháp lý là Nhà nước. Vì vậy, các chính sách đề xuất chủ yếu mang tính định hướng, không có tính quy phạm và khó khả thi.
Đảm bảo điều kiện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên trước xã hội
Đồng tình với báo cáo của cơ quan thẩm tra, ông Hiển cho rằng nhiều điều luật của dự thảo dẫn chiếu các luật khác, nên thay từ thanh niên bằng từ công dân cũng thấy hợp lý; tính cụ thể không rõ ràng, còn hô khẩu hiệu nhiều quá, chưa cho thấy có gì mới, riêng biệt.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, việc sửa luật Thanh niên phải hướng tới mục tiêu làm sao phát triển được thanh niên, làm sao tháo gỡ được những ràng buộc đang kìm hãm sự phát triển của thanh niên, đồng thời khắc phục được cái yếu của thanh niên hiện nay. Tuy nhiên, những điều này chưa thấy rõ trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ - Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng thì cho rằng, dự thảo luật chưa xác định được thanh niên là ai cả, nên quan điểm tiếp cận xây dựng dự thảo luật chưa rõ. “Thanh niên là đối tượng thắng thế trong xã hội vì là những người trẻ, khỏe nhất thì lại coi họ như đối tượng yếu thế khi cho rằng họ cần thế này, cần thế kia. Cái này chưa đúng lắm. Thanh niên phải là đối tượng để giao trách nhiệm là chính. Không phải chúng ta tạo công ăn việc làm cho họ mà họ phải là những người tạo ra công ăn việc làm”, ông Dũng nêu quan điểm.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ: "Ra luật này thanh niên đọc, nghiên cứu thì phải thấy chúng ta phải làm gì cho Tổ quốc, chứ không phải Tổ quốc phải làm gì cho ta",
Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thiết kế luật sửa đổi làm sao để thanh niên đọc xong thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ và khi thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đó thì thanh niên có những quyền lợi gì cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Bình luận (0)