Thảo luận tại tổ về luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi ngày 29.10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc xem xét lại về vấn đề đại biểu Quốc hội chuyên trách.
"Sao Bộ trưởng cứ phải là đại biểu Quốc hội?"
“Cái này tôi nói rất thật. Nếu các đại biểu như chúng tôi từ phía các cơ quan chính phủ như bộ trưởng, sau này còn bổ sung chủ tịch ủy ban nhân dân thì khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, Quốc hội có quyền yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch các ủy ban nhân dân giải trình để có những phiên chất vấn, nhưng phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân phải là đại biểu Quốc hội không?
"Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là những đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật”, ông Hà nói và cho rằng như thế cần hơn và lần sửa đổi này phải nhìn nhận lại vấn đề này.
Dẫn kinh nghiệm các nghị viện trên thế giới, ông Hà cho rằng, người ta có thể chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không phải đợi tới kỳ họp.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng tình với nhiều ý kiến đề nghị không chỉ giữ 35% đại biểu Quốc hội là chuyên trách mà phải tăng lên 50%, thậm chí 60% để đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi.l
“Bây giờ tại sao các đại biểu Quốc hội chuyên trách không thấy những vấn đề bức xúc của đất nước, những vấn đề có tính chất liên vùng, liên ngành để cùng nhau xây dựng các văn bản pháp luật mà cứ để cơ quan hành pháp xây dựng, bảo vệ và nhiều ý kiến hiện nay còn đòi họ có trách nhiệm đến cùng”, ông Hà nói và cho rằng, cần phải có những bộ luật mà các cơ quan chuyên trách của Quốc hội xây dựng.
Bên cạnh đó, về vị thế của đại biểu Quốc hội, ông Hà cũng cho rằng cần phải nâng lên vì nếu đại biểu Quốc hội chỉ hoạt động trên nơi mình được bầu cử thì rất hẹp, trong khi đại biểu Quốc hội có thể mang tính chất đại diện cho nhân dân.
"Tôi nhớ đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu chúng tôi có lúc đi bảo vệ quyền lợi cho người dân ở HN. Những công việc này tôi cho rằng đề cao và mở rộng hơn vai trò của các đại biểu Quốc hội", ông Hà nói thêm.
Thực tế cuộc sống không chờ Quốc hội họp
Một vấn đề khác, theo ông Hà, hiện nay Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ song thực tiễn không chờ Quốc hội họp. “Có bộ luật vừa ban hành xong đã phải dừng. Nói đúng ra thì luật ban hành có hiệu lực thì phải thực thi nhưng thực tế nó lại xảy ra điều không mong muốn”, ông Hà nêu và dẫn chứng có những luật mất cả năm, thậm chí cả 3 năm mới tháo gỡ xong.
“Vô hình trung chúng ta làm chính sách để phát triển nhưng thực tế lại kìm hãm sự phát triển. Luật không đứng ngoài cuộc sống và không thể kìm hãm sự phát triển như vậy”, ông Hà nói thêm.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất, trong dự luật sửa đổi lần này cần giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.
Dẫn chứng luật Quy hoạch sau 1 năm vướng mắc Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới vận dụng chức năng giải thích pháp luật để ra nghị quyết vướng mắc, ông Hà cho rằng, hiện nay có rất nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế, an ninh quốc gia mà luật còn sơ hở thì cần phải có cơ chế cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để đình chỉ, điều chỉnh vấn đề đó.
Bình luận (0)