Chủ tịch Hà Nội: Các quán nước chè vỉa hè cũng phải dừng hoạt động toàn bộ

Vũ Hân
Vũ Hân
27/03/2020 20:51 GMT+7

Tối 27.3, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1047 về việc “quyết liệt thực hiện các đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 ”.

Kiểm tra, đôn đốc cả ngày lẫn đêm để các hàng quán đóng cửa nghiêm túc

Theo đó, Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0 giờ ngày 28.3 đến hết ngày 15.4.
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóathể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Khi tập trung dưới 20 người, phải tiến hành khử khuẩn vệ sinh y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người.
Đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh, trừ các trường hợp: siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas, khí đốt.
Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán trong các loại hình trên, cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.
“Ngoài các trường hợp kể trên, tất tần tật các loại khác là phải đóng cửa, không trừ một ai cả”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh.

Việt Nam có 163 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi thêm 10 ca liên tiếp

Ông Chung yêu cầu các trưởng công an phường đi kiểm tra, đôn đốc cả ngày lẫn đêm. Yêu cầu các cửa hàng dừng hoạt động một cách nghiêm túc.
“Trong 1, 2 ngày vừa qua, rất nhiều người dân phản ánh có nhiều quán ăn buổi sáng, quán trà chanh, các quán cà phê, và cửa hàng bán điện máy vẫn còn hoạt động, nay phải dừng nghiêm túc. Các cửa hàng như xe đạp, điện máy, đặc biệt là các quán nước chè ở các vỉa hè, là phải dừng toàn bộ”, ông Chung yêu cầu.

Tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến 15.4

Mặc dù trước đó, ngày 26.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết thành phố sẽ dừng 80% hoạt động xe buýt, chỉ giữ lại 20% để phục vụ công chức, viên chức đi làm, những người sử dụng trong trường hợp cần kíp; tuy nhiên, đến hôm nay, ông CHung đã thay đổi quyết định.
Theo đó, ông Chung yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15.4.
Mặc dù chưa có quyết định dừng xe khách đường dài, xe liên tỉnh như TP.HCM, nhưng Hà Nội cũng yêu cầu các loại xe taxi và xe hợp đồng không dùng điều hòa, phải hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách.
Các trường học, cơ sở dạy nghề tạm thời không tổ chức cho học sinh đến trường dưới mọi hình thức.

Tìm ra hàng ngàn người từng đến Bệnh viện Bạch Mai - ổ lây lan virus corona

UBND TP.Hà Nội giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Điều tra, phối hợp với ngành y tế thực hiện xét nghiệm, cách ly với trường hợp tiếp xúc gần (F1), người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). Tăng cường chỉ đạo việc giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình. Thực hiện xử lý vi phạm, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp chống đối cách ly theo quy định.
Tổ chức khoanh vùng dập dịch theo hướng dẫn của ngành y tế: xây dựng phương án khoanh vùng, dập dịch theo cấp độ quy mô dân số tại Quyết định số 904/QĐ-BYT ngày 16.3 của Bộ Y tế.
Tổ chức cách ly tại gia đình nghiêm ngặt với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua 14 ngày, để điều tra từ 7.3 theo chỉ đạo của UBND thành phố; thực hiện các biện pháp cách ly khi có kết quả xác nhận theo quy định của ngành y tế.
Yêu cầu UBND quận Tây Hồ rút kinh nghiệm về việc để người dân đi lễ đông người vào ngày 24.3 (mùng 1 tháng 3 âm lịch).

Hà Nội đề nghị người dân “tiếp tục ủng hộ, tin tưởng”

Sở Y tế được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng chống dịch, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức doanh nghiệp, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng; có phương án chăm sóc tốt hơn cho nhân viên y tế, đặc biệt các bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19, bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch; xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm; xây dựng kịch bản phương án ở mức độ cao hơn để chủ động phòng chống dịch bệnh khi tình huống xấu xảy ra.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội “đề nghị nhân dân thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch; mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh”.
Trước mắt, người dân thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cần thiết; và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.