Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/04/2021 19:18 GMT+7

Ngày 29.4, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc , Trưởng ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện đề án “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất cần đánh giá kỹ hơn về những tồn tại, hạn chế, bất cập về tổ chức, hoạt động của 2 trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác đào tạo luật, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho hai trường phát triển xứng đáng là trường trọng điểm đào tạo nhân lực về pháp luật.
Đối với kiến nghị tiếp tục thực hiện đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đến năm 2030, Ban Chỉ đạo cho rằng cần làm rõ hơn lý do của việc đề xuất, trong đó xác định cụ thể phạm vi đào tạo, đối tượng đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Đối với đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, Ban Chỉ đạo cho rằng, đề án cần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn thực trạng công tác đào tạo cử nhân luật, nhất là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về: thể chế; số lượng, chất lượng giảng viên; chất lượng tuyển sinh đầu vào, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất của của từng cơ sở đào tạo cử nhân luật... dựa trên các tiêu chí nhất định và theo loại hình cơ sở đào tạo.
Ngoài cần bổ sung các giải pháp cụ thể, có tính đột phá, khả thi để kiểm soát chất lượng đào tạo luật một cách thực chất, hiệu quả như rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo luật trên phạm vi cả nước bằng cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng, năng lực, uy tín của các đơn vị đào tạo luật nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại hợp lý theo hướng siết chặt công tác đào tạo cử nhân luật, thu gọn và chỉ duy trì các cơ sở có đủ năng lực, uy tín.

Sắp xếp 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước

Toàn cảnh phiên họp 12 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Cải cách tư pháp

Ảnh Gia Hân

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với đề án “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” và “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới.
Đối với đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng theo định hướng của các thành viên của Ban Chỉ đạo.
Theo đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình… từ đó đối chiếu, rà soát, đánh giá. Những cơ sở không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra thì phải dừng đào tạo lĩnh vực này.
Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư lưu ý, cần quan tâm đến việc đào tạo phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại ĐH luật Hà Nội; ĐH Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp sao cho đảm bảo hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, chất lượng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.