Nhưng những con người yếu đuối, bệnh tật và nghèo khó đó đã không hề đơn độc khi họ ví von mình đang “đứng giữa vòng tay cưu mang, đùm bọc của người Đà Nẵng nghĩa tình”. Bởi ngay từ đầu, Đà Nẵng đã lập nên những “tiền đồn” đặc biệt để bảo vệ gần 250 bệnh nhân (BN) suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.
Ở khách sạn 3 sao, đi xe máy lạnh
Những ngày qua, người dân ở quanh các khách sạn đường Phạm Văn Đồng và Hồ Nghinh (Đà Nẵng), quen thuộc với hình ảnh những đoàn xe 35 - 45 chỗ xếp hàng dài gần chục chiếc từ sáng sớm. Đúng 6 giờ 30, các xe lần lượt tấp vào sát cửa khách sạn để đón những người khách đặc biệt, tay họ đầy những vết bông băng trắng toát, dấu hiệu dễ nhận biết ở những người chạy thận. Nhiều người trong số đó sức yếu phải ngồi xe lăn, có các điều dưỡng mặc đồ bảo hộ đỡ lên xe.
Từ những ngày đầu chống Covid-19, ngành y tế Đà Nẵng đã kịp giải cứu cho hơn 250 BN chạy thận nhân tạo tại BV Đà Nẵng và đưa họ đến các khách sạn để vừa cách ly theo dõi sức khỏe, vừa đưa đón đi về chạy thận cách nhật. Các BN này đều là người Đà Nẵng, Quảng Nam, nhiều người ở tít tận những huyện vùng sâu vùng xa... BN chạy thận được chia 120 ca chạy thận/ngày. Mỗi tuần 2 kíp với gần 250 BN được phân làm 3 ca chạy thận liên tục từ sáng sớm đến tận tối mịt.
|
Dù được bảo vệ nghiêm ngặt hết mức trước dịch bệnh, ở khách sạn, đi xe riêng, suất ăn dinh dưỡng riêng, có chế độ sát khuẩn tuyệt đối sau mỗi chuyến đi, về, nhưng ánh mắt của những người chạy thận vẫn không nguôi âu lo. Chỉ riêng có cô gái người đồng bào Cơ Tu là Trần Thị Hoa (18 tuổi, ngụ xã Ba, H.Đông Giang, Quảng Nam) vui ra mặt. Hoa kể rằng em đã có 8 năm chạy thận nhân tạo tại BV Đà Nẵng. Từ khu nhà chạy thận chung trong BV, đến khi có dịch Covid-19 ập đến hồi đầu năm, Hoa và mẹ thuê chung xóm trọ để ở và chạy thận với các BN khác. Từ những ngày trọ trong căn phòng chật chội, ẩm thấp, lần đầu tiên cô gái Cơ Tu được đưa đến khách sạn cao tầng bằng xe xịn, đến bữa lại có người đặt thức ăn tận cửa phòng. Bà Alăng Thị Mê, mẹ của Hoa, nói: “Lần đầu tiên được ở khách sạn nó ưng lắm, nói thích được ở đây miết ri sướng. Tôi nói, tiền cơm mô mà TP.Đà Nẵng nuôi mãi”, bà Mê nói.
|
Người nhà là... y, bác sĩ
Trong số các BN cách ly riêng để chạy thận nhân tạo, chỉ những người lớn tuổi, sức yếu không thể tự di chuyển mới được ưu tiên có người nhà bên cạnh. Còn phần lớn các BN chỉ thui thủi một mình. Người thân của họ lúc này là các y, bác sĩ, điều dưỡng cách ly cùng họ để chăm, dìu dắt, thậm chí ẵm bồng. BN Liên cho biết lúc nào cũng có các nhân viên y tế túc trực bên cạnh. Ở khách sạn thì chăm sóc tận tình, kiểm soát thân nhiệt, lấy mẫu..., rồi đưa đi đón về sớm hôm cũng như chiều tối, còn tận tụy chăm nuôi hơn cả người nhà... “Các y, bác sĩ động viên, đồng lòng khiến chúng tôi thấy được an ủi lắm, cũng bớt nỗi lo sợ dịch bệnh”, BN Liên nói.
Bà Alăng Thị Mê cho biết nhìn những nhân viên y tế vất vả vì mình, vì người thân của mình thấy thương lắm: “Cũng muốn giúp điều dưỡng Trang, bác sĩ Hồng, những khi họ vất vả 24/24 mà không biết giúp kiểu chi vì để an toàn dịch bệnh, các chị ấy không cho chúng tôi làm gì”. Bà Đặng Thị Lại, vợ một BN đang chạy thận nhân tạo tại BV Đà Nẵng, cho biết bà mặc đồ bảo hộ trong vài giờ di chuyển đã bức bí chịu không nổi. Trong khi đó, các y, bác sĩ, phải mặc bảo hộ suốt ngày, cách ly tuyệt đối trong BV, trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, để điều trị bệnh nhân... Người bà Lại cảm kích nhắc đến nhiều nhất là điều dưỡng Lê Thị Đài Trang, Khoa Thận nhân tạo (BV Đà Nẵng), khi suốt thời gian qua cô cách ly tại BV để chăm sóc BN chạy thận. Từ phân luồng, dẫn dắt, nâng đỡ cho đến phục vụ ăn uống, đảm bảo sức khỏe và đưa hàng trăm BN đi chạy thận mỗi ngày.
Những BN suy thận mạn thì xác định cả đời phải phụ thuộc vào máy chạy thận nhân tạo để lọc những chất thải mà thận yếu không lọc được ứ lại mỗi ngày. “Đến giờ chạy thận mà không kịp chạy thì BN có nguy cơ ngưng thở, ngưng tim do u rê máu cao, ứ trệ những chất mà thận sẽ phải lọc ra ngoài. Họ sẽ nôn mửa, mệt mỏi, yếu người đi, nên chạy thận chính là điều kiện sống còn đối với họ. Vì vậy mà anh em chúng tôi luôn cố gắng hết sức để đảm bảo sự an toàn cho BN”, bác sĩ Đặng Anh Đào, Khoa Nội thận nội tiết (BV Đà Nẵng), cách ly cùng các BN thận tại BV Đà Nẵng, giải thích.
|
Cặp vợ chồng đi qua 3 cuộc chiến
Bệnh tật, khó khăn là vậy, nhưng những BN mà chúng tôi gặp trên đường họ đi chạy thận vẫn kiên cường lắm. Họ nói các y, bác sĩ còn chiến đấu vì mình, bảo vệ cho mình thì mình cũng chiến đấu tới cùng. Trong cuộc chiến đó, thiếu tá Lê Ngọc Dũng (trú Hội An, Quảng Nam) chia sẻ ông và vợ đã chiến đấu suốt 5 năm qua với chứng suy thận mạn kèm tiền sử tai biến. Giờ lại thêm cuộc chiến sống còn với Covid-19. Hơn ai hết, ông hiểu bà Lê Thị Tiềm, vợ ông có đủ những bệnh nền nguy hiểm khi phải đối mặt. Hai vợ chồng ông, người từng là bộ đội tình nguyện quốc tế, người là bộ đội biên phòng biên giới hải đảo. Cuộc đời trải qua 3 cuộc chiến nhưng lần đầu tiên họ đứng chung trong cuộc chiến mang tên Covid-19, để bảo vệ nhau.
Ông Dũng vui mừng thông báo cả hai vợ chồng ông cùng các BN chạy thận nhân tạo ở cùng khách sạn đều có kết quả xét nghiệm 5 lần âm tính với Covid-19. “Chính sự quan tâm rất nhân văn, chu đáo của Đà Nẵng đối với những bệnh nhân chạy thận đang gặp nhiều khó khăn đã khiến họ an tâm hơn, mạnh mẽ hơn để chung lưng chiến đấu, chống bệnh, chống dịch. Trên tinh thần “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, ông Dũng lạc quan.
Không lạc quan sao được khi ông chứng kiến mỗi ngày, bên cạnh các nhân viên y tế, các BN chạy thận còn nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Từ suất ăn nghĩa tình, bát cháo nóng giữa khuya, cho đến từng cây kim, sợi chỉ trong từng phòng khách sạn đều không thiếu. Hết thứ gì thì các nhân viên phục vụ lại bổ sung và thay mới từng ngày, những đoàn xe tình nguyện đưa đón. Tài xế xe đưa đón, anh Nguyễn Tam Vũ (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê)kể: “Một ngày của xe bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc gần 10 giờ đêm, chở hết kíp này đến kíp khác đi chạy thận. Nhiều khi đang bế, những BN nặng không tự chủ được vệ sinh, mình cũng chấp nhận làm sạch sau đó”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)