Chưa thống nhất trao quyền cho trưởng đặc khu

11/01/2018 16:42 GMT+7

Sáng 11.1, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ( đặc khu ) với rất nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức chính quyền và thiết chế trưởng đặc khu.

Hai luồng hiểu Hiến pháp

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người điều hành phiên thảo luận, nhấn mạnh: tổ chức chính quyền đặc khu là điều khoản có ý nghĩa chi phối với các nội dung khác của luật. Tuy nhiên, tại kỳ họp trước, các ý kiến tranh luận vẫn rất gay gắt xung quanh 2 phương án có và không tổ chức hội đồng nhân dân đặc khu, cũng như việc trao quyền cho trưởng đặc khu quá lớn thì cơ chế giám sát sẽ ra sao.

Chưa hài lòng với cả 2 phương án, tại phiên thảo luận này, Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật, đã đề xuất thêm phương án 3, được cho là “kết hợp các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm” 2 phương án do Chính phủ trình, đó là: chính quyền đặc khu gồm hội đồng đặc khu và ủy ban đặc khu, được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền cho chủ tịch ủy ban đặc khu.

Dù vậy, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật cũng thừa nhận: “Thiết kế thế nào cũng có nhược điểm, không phương án nào hoàn chỉnh” và đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị. Theo ông Định, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, nếu không làm rõ thì không thiết kế được quyền hạn và quy trình giải quyết công việc, không có điều kiện rõ ràng để bố trí, sắp xếp cán bộ.


Tuy nhiên, các thành viên thường vụ cũng không bị thuyết phục bởi phương án này. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng luật không được trái với Hiến pháp, theo đó nhất thiết phải tổ chức hội đồng nhân dân ở đặc khu, tức là phương án 2. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lại băn khoăn giữa phương án 1 và phương án 3, cho rằng phải đặt vai trò người đứng đầu của đặc khu là hết sức quan trọng. Theo ông, nhân sự để làm Trưởng đặc khu phải là Phó bí thư tỉnh ủy trở lên.

Sau 99 năm chúng ta được gì?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: nếu có 3 đặc khu với việc giao đất đến 99 năm, thì sau 99 năm đó, chúng ta được gì? “3 khu này phải là động lực phát triển của ít nhất tỉnh đó và kéo theo sự phát triển của đất nước; phải tạo được nguồn thu cho đất nước không phải ở sưu cao thuế nặng mà ở tăng trưởng. Luật này chưa thể hiện được điều đó”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng chúng ta rất thích “đặc thù, đột phá, nổi trội”, nhưng lại thiết kế luật theo tư duy 30 năm trước, không hợp trong thời kỳ hiện nay. Ông Hiển cũng phản đối việc miễn tiền thuê đất, kéo dài thời gian thuê đất đến 99 năm để thu hút đầu tư bởi 3 khu này đều là đất vàng, Phú Quốc nhà đầu tư đã vào chật kín và đang trả tiền, không có lý gì phải miễn thuế đất để thu hút. Ông Hiển “khẳng định chưa yên tâm” khi đưa ra lập luận xây dựng luật.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: việc xây dựng một thể chế đột phá, một chính quyền gọn nhẹ cho đặc khu, nhưng phải kiểm soát được quyền lực, không vi hiến, không trái nghị quyết T.Ư là điều tất cả đã thống nhất, nhưng còn có 2 luồng hiểu Hiến pháp. Một bên cho rằng không tổ chức hội đồng nhân dân cũng không trái Hiến pháp và một bên ngược lại. Mặt khác, việc liệt kê chi tiết 11 lĩnh vực trao quyền cho Trưởng đặc khu tạo tâm lý băn khoăn về giám sát quyền lực, vì quyền hạn như vậy là quá lớn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Đảng đoàn Quốc hội Ban cán sự đảng Chính phủ họp thống nhất ý kiến trước, sau đó sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị. Nếu cần thiết, có thể đưa ra xin ý kiến Ban chấp hành T.Ư.

Khẳng định là Thường vụ Quốc hội mong muốn đổi mới và chia sẻ với ban soạn thảo, nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý “ngoài đổi mới vẫn phải giữ nguyên tắc”.

Không trái Hiến pháp

Nhấn mạnh “thực tế chúng ta đang tụt hậu rất xa so với thế giới và khu vực”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tha thiết cho rằng “chúng ta phải mạnh dạn và quyết tâm hơn”. Theo ông Dũng, trong khi Việt Nam bỏ qua rất nhiều cơ hội trong những năm qua, thì quốc tế đã liên tục đưa ra những thể chế mới để tranh thủ thời cơ. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới là 2.385 USD năm 2017, tăng 170 USD một năm, trong khi Trung Quốc đã là 8.000 USD và đặt mục tiêu 10.000 USD vào năm 2020. Bây giờ Việt Nam chỉ còn hơn Lào và Campuchia. Về việc không tổ chức hội đồng nhân dân và trao quyền mạnh cho trưởng đặc khu, ông Dũng khẳng định là không trái Hiến pháp. 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.