Chưa xử lý được “núi rác” gây ô nhiễm ở Côn Đảo

Nguyễn Long
Nguyễn Long
07/07/2020 06:20 GMT+7

Rác thải tồn đọng hàng chục năm nay ở Bãi Nhát, H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) cao như núi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm nhà đầu tư để xử lý.

Có mặt ở bãi rác Bãi Nhát những ngày đầu tháng 7.2020, PV Thanh Niên ghi nhận rác đã tràn ra khu vực ngoài diện tích chứa hiện hữu. Những cơn mưa lớn vừa qua khiến nước rỉ rác chảy ra khu vực bên ngoài càng gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo báo cáo của UBND H.Côn Đảo, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày tại địa phương được thu gom đưa về bãi rác Bãi Nhát (rộng 3.800 m2) đã quá tải từ nhiều năm nay. Đến nay, lượng rác tồn tại bãi khoảng 70.000 tấn. Từ năm 2014, H.Côn Đảo đã đầu tư 1 lò đốt rác công nghệ tại bãi rác này, nhưng lò chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác/ngày.

Vì sao Côn Đảo tồn đọng đến 70.000 tấn rác khiến nước biển bị ô nhiễm?

Để xử lý dứt điểm hơn 70.000 tấn rác thải cũng như tình trạng ô nhiễm từ bãi rác Bãi Nhát, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiều năm qua đã kêu gọi xã hội hóa để các doanh nghiệp có phương án thu gom xử lý rác, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đầu tư. Đầu năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chọn phương án đưa rác từ Bãi Nhát về đất liền bằng tàu biển để xử lý. Tiếp đó, UBND H.Côn Đảo lập phương án và dự trù kinh phí khoảng 70 tỉ đồng để thực hiện. Rác sẽ được ép lại thành từng khối có trọng lượng khoảng 800 kg/khối rồi chuyển xuống các tàu chở cát, đá đưa về đất liền tại khu vực cảng Phú Mỹ, rồi chở về bãi rác tập trung xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ) để xử lý. Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến của các sở, ngành vào ngày 23.8.2019, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hủy bỏ phương án đóng gói rác, vận chuyển bằng tàu về đất liền để xử lý vì kinh phí quá lớn.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết việc đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho H.Côn Đảo chậm, dẫn đến tồn đọng khoảng 70.000 tấn rác tại Bãi Nhát chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Linh, nguyên nhân chậm là do chưa có hướng dẫn mô hình chuẩn về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt. Ngoài ra, việc đầu tư dự án nhà máy đốt chất thải phát điện, bảo đảm các quy định chuẩn về môi trường có chi phí rất lớn. Do đó, chủ đầu tư đòi hỏi phải đảm bảo khối lượng chất thải đầu vào ổn định (400 tấn/ngày), nhưng khối lượng chất thải hằng ngày của Côn Đảo thấp (15 - 20 tấn/ngày) nên lựa chọn nhà đầu tư là rất khó khăn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.