'Có lệnh là đi ngay'

22/03/2020 07:16 GMT+7

Theo GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế , sự tích cực của lực lượng y tế cơ sở đã góp phần hết sức quan trọng cùng với ngành y tế cả nước phòng, chống dịch Covid -19.

Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM thường xuyên ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của đội ngũ y tế, trong đó có sự đóng góp tích cực của y tế cơ sở.
Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Y tế phải đảm bảo cho nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ phải có ít nhất 2 bộ trang phục phòng hộ và chế độ bồi dưỡng phải phù hợp. Mới đây, UBND Q.2 (TP.HCM) tổ chức khen thưởng, động viên đội ngũ y tế cơ sở và lực lượng liên quan đã và đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly trung tâm của Q.2, cũng như nhiệm vụ cách ly tại nhà, khu dân cư.

Cô gái Hàn Quốc thoải mái làm việc trong khu cách ly tránh Covid-19 ở TP.HCM

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết khi xuất hiện 1 ca bệnh Covid-19 thì toàn thể hệ thống y tế dự phòng từ HCDC đến quận huyện, phường xã đều vào cuộc xử lý ổ dịch.
Chỉ cần 1 ca nhiễm bệnh thì hệ thống y tế phường xã phải đi điều tra tất cả những người tiếp xúc và có khi lên đến hàng trăm ca, một khối lượng công việc phải nói là khổng lồ. Khi tiếp cận người tiếp xúc gần người mắc bệnh, thì phải hướng dẫn các biện pháp, tư vấn, hỗ trợ, theo dõi chăm sóc tại nhà và khi có dấu hiệu bệnh thì được chuyển ngay đến cơ sở y tế.
Đây là trách nhiệm của nhân viên y tế cơ sở phối hợp chính quyền địa phương để khống chế, phòng chống lây nhiễm và phải hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài việc tìm ra người để cách ly thì còn chăm sóc y tế, sinh hoạt, kể cả ăn uống cho người thuộc diện cách ly.
“Mỗi ngày nhận lệnh thì anh em y tế cơ sở dậy và đi thôi, công việc rất nhiều. Họ như những chiến binh thầm lặng”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Công bố bệnh nhân thứ 93 và bệnh nhân thứ 94 nhiễm Covid-19

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC, thì tâm sự trong khoảng thời gian hơn 20 năm gắn bó với y tế dự phòng, điều đọng lại trong chị là phòng chống dịch bệnh tốt không phải lúc nào cũng cần thuốc xịn, trang thiết bị tối tân, mà điều quan trọng là phải đánh giá đúng nguy cơ để có giải pháp phù hợp cho nguy cơ ấy.
“Các biện pháp dự phòng cổ điển như cách ly, kiểm dịch, các biện pháp dự phòng không dùng thuốc vẫn còn nguyên giá trị. Những hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cụ thể, chi tiết cho từng nhóm đối tượng trong từng tình huống sẽ giúp nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng. Và những biện pháp này luôn có sự đóng góp lớn của y tế cơ sở”, bác sĩ Nga nói.
Trong khi đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá cao vai trò của y tế cơ sở tại những nơi “phên giậu”, nơi các cán bộ y tế địa phương, y tế cơ sở tuyến xã, phường đang vào cuộc tích cực. Theo ông, cán bộ y tế cơ sở luôn là người sâu sát nhất, trực tiếp nhất trong phòng chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.