Có lỗ hổng trong thu hồi “nhỏ giọt” tài sản tham nhũng ?

Phan Thương
Phan Thương
04/04/2021 06:01 GMT+7

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn nhưng mới thu được những khoản tiền bồi thường nhỏ giọt.

Chuyên gia pháp lý cho rằng trong một số vụ án, việc thu hồi tài sản tham nhũng “nhỏ giọt” có nguyên nhân do quy định pháp luật còn lỗ hổng. Do vậy, cần bổ sung thêm những quy định mới để có thể thu hồi được triệt để tài sản nhà nước mà trước đó bị cáo trục lợi.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp mới đây, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục nhấn mạnh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn nhưng mới thu được những khoản tiền bồi thường nhỏ giọt.

Chống tham nhũng là phải thu hồi lại triệt để tài sản bị tham nhũng chứ không chỉ tuyên phạt tù

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao

Chẳng hạn, từ khi bị bắt vào tháng 7.2017, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí VN - PVN) đã 4 lần hầu tòa. Sau 4 bản án đã tuyên, bị cáo Thăng phải lãnh tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn), và bồi thường tổng cộng 830 tỉ đồng.
Nhưng với tài sản duy nhất bị kê biên là căn nhà chung cư của hai vợ chồng ông Đinh La Thăng ở khu đô thị Sudico Sông Đà (P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), đến nay sau khi bán căn nhà trên, cơ quan thi hành án chỉ thu hồi được 4,5 tỉ đồng. Hay trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP xây lắp dầu khí VN - PVC) phải bồi thường thiệt hại trong các vụ án liên quan đến bị cáo với tổng số tiền 122 tỉ đồng, nhưng đến nay mới thi hành án được 31 tỉ đồng.
Rất nhiều vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng khác, bản án tòa tuyên thu hồi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục hậu quả, nhưng nhiều ý kiến của chuyên gia, luật sư, nguyên thẩm phán... cho rằng việc thi hành án, thu hồi số tiền như án tuyên thường rất khó.

Cần truy tìm, kê biên tài sản ngay khi khởi tố vụ án

Theo trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó chánh án TAND tối cao), bị cáo phải bồi thường bao nhiêu sẽ do tòa tuyên án, nhưng còn bồi thường được hay không sẽ do cơ quan thi hành án thực hiện. Tuy nhiên, nếu quá trình điều tra không kê biên, phong tỏa tài sản thì rất khó có thi hành án.

Liên tục xác minh điều kiện thi hành án

Ông Hồ Quân Chính, giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), cho hay hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, thì chấp hành viên tiến hành xác minh về biến động tài sản được cơ quan tiến hành tố tụng kê biên; xác minh về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại các hệ thống ngân hàng, văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, ít nhất 6 tháng 1 lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Sau 2 năm, người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành, việc thi hành án phải đưa vào sổ theo dõi. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Ông Độ cũng cho biết số tiền phải bồi thường quá cao, nếu ông Thăng hoặc bị án bị buộc bồi thường không tự nguyện, hoặc không có khả năng chi trả, bị cáo có thể nhờ bạn bè, người thân đóng góp, bồi thường thay. Nếu ông Thăng không có tài sản khác để thi hành án, việc tuyên án chỉ là trên giấy tờ; trường hợp, với tài sản của người thân ông Thăng, nếu chứng minh được những người đó có dấu hiệu tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải khởi tố vụ án để tịch thu, sung công quỹ nhà nước.
Song các giả thiết vừa nêu trên, theo ông Độ là không khả quan. Vì vậy, ông Độ cho rằng muốn thu hồi được phần lớn tài sản tham nhũng thì trước tiên phải thay đổi luật. “Trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chỉ có cơ quan điều tra mới đủ thẩm quyền kê biên, phong tỏa tài sản của người bị điều tra. Nên khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì phải giao ngay cho cơ quan điều tra, và cơ quan này sẽ kê biên tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả về sau, đồng thời người phạm tội không kịp tẩu tán tài sản. Còn giờ, phải trải qua một quá trình thanh tra, kiểm tra thì người có hành vi phạm tội dễ tẩu tán tài sản, sau này cũng không còn tài sản bồi thường. Do đó, khi vụ án có dấu hiệu của tham nhũng, phải chuyển cơ quan điều tra ngay để kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản”, ông Độ nêu.
Ngoài ra, ông Độ đánh giá cần thay đổi luật, giao cho Viện kiểm sát quyền khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại tài sản nhà nước bị chiếm đoạt. Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ thay mặt để đòi lại và những người hưởng thừa kế đều phải trả lại tài sản, sau đó mới được hưởng quyền thừa kế.
“Cần phải quy định về tội “làm giàu bất chính”. Tài sản của anh tăng thêm nhưng anh không chứng minh được tài sản hợp pháp thì đó là làm giàu bất chính. Mà làm giàu bất chính thì buộc phải thu hồi”, ông Độ cho hay và nhấn mạnh: “Chống tham nhũng là phải thu hồi lại triệt để tài sản bị tham nhũng chứ không chỉ tuyên phạt tù”.

Không bồi thường thiệt hại sẽ không được giảm án

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có ảnh hưởng gì quá trình chấp hành án phạt tù của bị án hay không? Về vấn đề này, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho biết điều 66 bộ luật Hình sự quy định bồi thường dân sự là một trong những điều kiện để tha tù trước thời hạn. Do vậy, nếu bị án không bồi thường thiệt hại, thì khi thụ án sẽ không được xem xét giảm án vào những dịp lễ, tết...
“Khi bị cáo đã thi hành xong án phạt tù nhưng vẫn không bồi thường về dân sự cho bị hại, thì sẽ không được xem xét để xóa án tích. Điều 70 và 71 bộ luật Hình sự về đương nhiên được xóa án tích cũng như xóa án tích theo quyết định của tòa án, đều quy định là thực hiện xong hình phạt chính và các quyết định khác của bản án. Các quyết định khác trong đó có quyết định về bồi thường dân sự”, ông Hùng phân tích thêm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.