Như Thanh Niên đã thông tin, đề xuất bổ sung cắt điện, nước như một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trở thành đề tài tranh luận sôi nổi khi Quốc hội thảo luận về luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 18.6.
Không làm mạnh thì không chấp hành
Theo “trường phái” ủng hộ cắt điện, nước như một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng việc bổ sung biện pháp này sẽ làm cho người vi phạm phải chấp hành các quyết định xử phạt, đảm bảo các hành vi vi phạm phải dừng và không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc khó khắc phục hơn.
Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ ý kiến trên, cho rằng cần thiết phải có biện pháp này. BĐ Hạnh Phương cho biết: Tôi ủng hộ việc cắt điện nước như một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, vì nhiều người rất "cứng", không làm mạnh thì họ không chấp hành đâu. Cùng quan điểm, BĐ Phiệt cho rằng: “Cứ cắt điện nước thì người ta sẽ sợ mà không dám làm sai. Người không liên quan mà bị ảnh hưởng bởi cúp điện nước sẽ gây áp lực cho người làm sai, có vậy người này mới không dám tái phạm”.
Còn BĐ Sanu Sanu thì thẳng thắn: Mấy bác bảo cắt điện, nước là “bất lực” hay vi phạm luật gì đó, theo tôi nghĩ, các bác đưa ra biện pháp khác hữu hiệu xem sao?! Họ vi phạm pháp luật thì chính quyền mới có biện pháp, chứ người sống tôn trọng luật pháp thì đâu có gì phải lo lắng. Tôi thấy ý thức môi trường của người dân mình rất kém, từ quán ăn đến khu chợ, công viên... đều dơ bẩn, nên nâng ý thức người dân bằng các biện pháp xử phạt mạnh.
Nhưng nhiều người sẽ bị ảnh hưởng
Tại buổi thảo luận của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, nhìn nhận trong dự thảo luật đã quy định tới 23 biện pháp để nhà nước cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và đình chỉ các vi phạm mà bây giờ phải bổ sung cắt điện, nước thì chứng tỏ cơ quan công quyền yếu kém, bất lực, pháp luật không nghiêm. Bên cạnh đó, đại biểu Cầu cho rằng nếu đưa biện pháp này vào luật thì dễ bị lạm dụng, vì đây là việc dễ làm nhưng hậu quả lớn.
Ý kiến này được nhiều BĐ đồng tình. BĐ Hoàng Sơn cho biết: Cắt điện, nước là biện pháp rất... dở. Ví dụ, ai đó vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng, bị phạt hành chính, họ không đóng phạt, lại đi cắt điện, nước nhà họ, làm biết bao nhiêu người bị ảnh hưởng chỉ vì cái chuyện của ai đó sao? BĐ Kinh Le cho rằng: “Cắt điện nước là hành động không hay. Khi công dân chưa bị pháp luật tước quyền này thì không nên đối xử như thế”.
Cùng quan điểm, BĐ Huyền Trâm đặt câu hỏi: “Cắt điện, nước làm đảo lộn cuộc sống cả nhà, mà người vi phạm thì chỉ có 1, vậy có đúng không?”. BĐ Thai nêu ra một khía cạnh khác: Đối với hộ gia đình, nếu dùng biện pháp cắt điện, nước trong sinh hoạt, họ có tiền sẽ gắn điện mặt trời và đào giếng hoặc câu lại người có nước để xài. Hơn nữa, theo BĐ này: “Cách như vậy sẽ rắc rối, trong hợp đồng điện, nước có các điều khoản rõ ràng, sẽ gây ra kiện tụng”.
Với việc xử lý công trình sai phép, không phép... dù bị nhắc nhở và lập biên bản sai phạm, nhưng họ cứ tiếp tục xây thì chắc chỉ có cắt điện, nước thôi! Cắt điện, nước trong chế tài xây dựng là hiệu quả và tiết kiệm nhất. Chứ để xây vượt nhiều tầng thì chi phí tháo dỡ là đắt khủng khiếp. Như tòa nhà 8B Lê Trực chẳng hạn!
Hoàng
Thử tưởng tượng nhà bạn bị cúp điện, nước 1 ngày thôi, bạn đã thấy không thể chịu nổi rồi. Nếu như một ai đó vi phạm mà cả nhà bị cúp điện, nước thì sẽ như thế nào? Biện pháp này đúng là "thể hiện sự bất lực".
Tỉnh
Nếu như cưỡng chế cắt hết điện, nước thì rõ ràng là "bất lực", cho nên không thể làm vậy, vì có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người khác. Chỉ có những trường hợp như xây dựng không phép thì có thể cắt điện, nước.
Chuong Do
|
Bình luận (0)