Có nên treo giải thưởng bắt cướp cho 'hiệp sĩ đường phố'?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
26/05/2018 10:46 GMT+7

Không khuyến khích công dân mạo hiểm đến tính mạng, không nên tự theo dõi hoạt động của tội phạm và truy bắt tội phạm khi không có kế hoạch bởi đó là hoạt động của cơ quan công an.

Đó là ý kiến của đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), khi nói về việc nên hay không nên treo giải thưởng săn bắt cướp cho "hiệp sĩ đường phố" nhằm giúp các hiệp sĩ có quỹ hoạt động.
Việc bắt tội phạm là của công an
Một số ý kiến bạn đọc cho rằng nhằm duy trì câu lạc bộ (CLB) "hiệp sĩ đường phố", Bộ Công an nên treo giải thưởng bắt cướp cụ thể cho từng vụ việc để các hiệp sĩ đường phố có thêm kinh phí hoạt động. Theo ý kiến bạn đọc, số tiền thưởng này lấy từ tiền phạt của tội phạm (tội phạm ngoài xử lý hình sự, dân sự kèm theo một số tiền phạt khác). Tuy nhiên, đại tá Trần Sơn không đồng tình với ý kiến này bởi cơ quan công an không khuyến khích công dân mạo hiểm đến tính mạng, không nên tự theo dõi hoạt động của tội phạm và truy bắt tội phạm khi không có kế hoạch bởi đó là hoạt động của cơ quan công an. 
Ông Sơn đánh giá hiệu quả của mô hình săn bắt cướp ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương là có, xã hội thấy rất rõ.
Bầu chọn
Có nên treo giải thưởng bắt cướp cho hiệp sĩ đường phố?
Sau vụ việc các hiệp sĩ nghĩa hiệp tử vong khi vây bắt cướp, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công với hai hiệp sĩ đường phố bị tội phạm đâm chết khi ngăn chặn hành vi trộm cướp trên địa bàn Q.3, TP.HCM. "Đó là sự xứng đáng các "hiệp sĩ" được nhận nhằm góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM trong nhiều năm qua. Các "hiệp sĩ" tự nguyện đứng ra đương đầu với hiểm nguy để săn bắt tội phạm để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân", đại tá Sơn nói.
Quỹ thưởng cho hiệp sĩ lấy từ đâu?
Đại tá Trần Sơn phân tích, việc bắt cướp của nhóm “hiệp sĩ đường phố” là mô hình tự phát theo kiểu nghĩa hiệp, người tốt, dũng cảm trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, đây là hoạt động tự nguyện, thúc đẩy phong trào các công dân đều có trách nhiệm phòng chống tội phạm. Hiệp sĩ cũng là công dân. Vì vậy, không nên dùng tiền phạm tội của tội phạm để thưởng tiền cho công dân.
Theo đại tá Sơn, quỹ tiền thưởng tặng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm nên lấy kinh phí của nhà nước, trích từ Quỹ phòng chống tội phạm TƯ và các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ do Bộ Công an quản lý, điều hành. Quỹ này được thành lập từ năm 2012. Tùy từng vụ việc cụ thể sẽ khen thưởng phù hợp kèm bằng khen, để động viên khuyến khích công dân phòng chống tội phạm.
Lãnh đạo của Cục Cảnh sát Hình sự (C45) - Bộ Công an cũng đồng tình quan điểm với đại tá Sơn, không nên treo thưởng theo từng vụ việc cụ thể vì đôi khi họ không nhận thức được quyền hạn của mình mà có hành động vượt quá khả năng và thẩm quyền, dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Nếu công dân có tinh thần nghĩa hiệp thì nên cung cấp thông tin tội phạm cho cơ quan công an, phối hợp, giúp đỡ cơ quan công an phòng chống tội phạm. 
"Hiện nay, các hiệp sĩ ngoài lòng dũng cảm, nghĩa hiệp, có tinh thần phòng chống tội phạm thì không có nghiệp vụ phòng chống tội phạm, không có võ, không có công cụ hỗ trợ. Nếu tự mình đi theo dõi tội phạm và bắt quả tang tội phạm thì đối mặt với nhiều nguy hiểm không đáng có", lãnh đạo C45 cho biết.
Đại tá Trần Sơn cho biết hiện nay có lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng hoạt động dưới sự giám sát của cơ quan công an. Nếu không có sự giám sát của công an thì một số người đã từng có hoạt động vượt quá thẩm quyền cho phép. Ví dụ như bảo vệ dân phòng, bảo vệ dân phố lập chốt, chặn bắt xe máy đang lưu thông trên đường, tự ý rút chìa khoá xe người đi đường vì cho rằng họ vi phạm giao thông.....
Đại tá Trần Sơn kiến nghị cơ quan công an như Bộ Công an, Công an TP.HCM cần làm nghiên cứu sơ kết mô hình CLB "hiệp sĩ đường phố" như ở Bình Dương. Đến giờ này, cần phải xem xét quy định hiện hành của pháp luật để xác định cho phép hay không cho phép mô hình này hoạt động ở TP.HCM. Đồng thời, nghiên cứu tính pháp lý CLB "hiệp sĩ đường phố". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.