'Hiệp sĩ đường phố' không thể trấn áp tội phạm chỉ bằng tinh thần nghĩa hiệp

Ngọc Lê
Ngọc Lê
17/05/2018 15:37 GMT+7

Đó là ý kiến của bạn đọc Báo Thanh Niên trong cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc về việc có cần tồn tại mô hình 'hiệp sĩ đường phố' ở một số địa phương như hiện nay?

Qua bài viết Hai 'hiệp sĩ đường phố' có được công nhận liệt sĩ không? đăng ngày 16.5, Thanh Niên đã có cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến bạn đọc về mô hình "hiệp sĩ đường phố".  
Bầu chọn
Theo bạn, có cần tồn tại mô hình "hiệp sĩ đường phố" ở một số địa phương như hiện nay nữa hay không?
Thống kê nhanh đến 12 giờ ngày 17.5, tức trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có 1.162 bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến. Trong đó, có 599 bạn đọc chọn phương án "nên tồn tại mô hình hiệp sĩ đường phố", chiếm tỷ lệ 51%; có 112 bình chọn "nói không" với mô hình này, chiếm tỷ lệ 10%; và 451 bình chọn của bạn đọc chọn phương án "tồn tại mô hình này với điều kiện đảm bảo về tính pháp lý", chiếm tỷ lệ 39%.
"Việc chống tội phạm nên để công an làm"
Một bạn đọc tên Dân cho rằng, các "hiệp sĩ" chính là những người dân nghĩa hiệp. Các anh tự lập nên tổ "hiệp sĩ" để hành hiệp trượng nghĩa, chuyện gặp nạn là điều rất không may mắn. Cần có quỹ hỗ trợ cho các hiệp sĩ, đồng thời đào tạo kiến thức về nghiệp vụ, pháp luật, để các "hiệp sĩ" không vướng vào chuyện vi phạm pháp luật khi hành hiệp mà lỡ gây tử vong cho kẻ trộm, cướp.
Đặc biệt, bạn đọc Dân cũng cho rằng "việc chống tội phạm nên để công an làm mạnh tay và tăng hình phạt sẽ giảm tội phạm".
Bạn đọc Hữu Lê đề xuất cần tìm một danh hiệu để tuyên dương các "hiệp sĩ đường phố", chứ không nên công nhận mô hình “hiệp sĩ đường phố”, vì việc trấn áp tội phạm là việc của cơ quan công quyền. Bạn đọc Hữu Lê cho rằng "không thể trấn áp tội phạm chỉ bằng tinh thần nghĩa hiệp".
Bạn đọc Lê Nam cũng không đồng tình với mô hình “hiệp sĩ đường phố”. Bạn Lê Nam nêu ý kiến: “Tôi không đồng ý cần tồn tại mô hình hiệp sĩ đường phố. Việc phòng chống tội phạm đã có cơ quan công an lo. Không có nghiệp vụ mà thấy tội phạm cứ lao vào thì rất nguy hiểm, ví dụ như vụ việc đau lòng xảy ra vừa qua khiến 2 "hiệp sĩ" tử vong, 3 người khác bị thương. Nếu tồn tại mô hình 'hiệp sĩ đường phố' thì rất khó quản lý”.
Miễn là đầy đủ tính pháp lý
Đa số bạn đọc đồng ý cần tồn tại mô hình “hiệp sĩ đường phố”. Nhiều bạn đọc cụ thể hơn, đồng ý chọn phương án "tồn tại mô hình trong điều kiện pháp lý phải rõ ràng".
Bạn đọc Lê Nga nêu: "Thiết nghĩ cần sớm có quy định về việc bảo vệ cho các 'hiệp sĩ' nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ khi tham gia đấu tranh chống tội phạm. Trong điều kiện tội phạm manh động như hiện nay thì rất cần lực lượng 'hiệp sĩ đường phố', nên cơ quan chính quyền phải sớm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện mô hình này".
Tuy nhiên, bạn đọc Lê Nga cũng nhấn mạnh, rằng mô hình này nếu được xây dựng thì các "hiệp sĩ" phải được tập huấn kỹ năng khi theo dõi tội phạm, bắt tội phạm trên đường, được dạy võ để tự vệ, có thể được trang bị công cụ hỗ trợ cần thiết.
Ý kiến của bạn đọc về vấn đề "có cần tồn tại mô hình hiệp sĩ đường phố ở một số địa phương như hiện nay hay không" Ảnh chụp màn hình lúc 15 giờ 33 phút ngày 17.5
Bạn đọc Lê Nga cũng khẳng định mô hình "hiệp sĩ đường phố" cần tồn tại với điều kiện cơ quan chính quyền quản lý, giám sát, không để ai lợi dụng mô hình này làm việc xấu.
Bạn đọc Lê Ni Na đồng tình với quan điểm "xã hội rất cần những con người xả thân vì lẽ phải". Nhưng để tồn tại mô hình “hiệp sĩ đường phố” thì cần phải xem xét tính pháp lý, cách quản lý, giám sát...
Bạn đọc Nguyễn Nam Vinh nhấn mạnh: “Nếu mô hình hiệp sĩ đường phố tồn tại thì phải xem xét pháp lý như thế nào, người nào mới được tham gia, ai giám sát, quản lý, trách nhiệm của người tham gia?... Không thể nói cảm tính là 'cần sớm thành lập đội này' được, vì nhiều tình huống phát sinh trong tương lai chưa thể lường hết”.
Nhiều bạn đọc cũng nêu quan điểm cần sớm công nhận các "hiệp sĩ" là liệt sĩ.
Bạn đọc Tuấn Anh nêu: “Hành động rất cao đẹp khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, nghiêng mình. Đó là tấm gương quên mình chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét, công nhận liệt sĩ cho hai anh".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.