Cơ quan chức năng vào cuộc vụ khoe ảnh 'làm thịt chim quý'

Giang Phương
Giang Phương
28/11/2018 08:59 GMT+7

Cơ quan chức năng H.Củ Chi (TP.HCM) đã làm việc với người khoe ảnh 'làm thịt chim quý' trên Facebook. Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cũng đã liên hệ với người này để làm rõ về điểm mua bán chim rừng.

Hôm qua 27.11, ông Bạch Ngọc Tuấn (ngụ TT.Củ Chi, H.Củ Chi, TP.HCM, người khoe ảnh “làm thịt chim quý” trên Facebook, Báo Thanh Niên đã phản ánh) cho biết cơ quan chức năng của H.Củ Chi đã làm việc với ông.
Ông Tuấn cho biết tại buổi làm việc, ông cũng tường trình lại toàn bộ sự việc như đã đề cập trước đó. Cụ thể, vào ngày 25.11, trên đường đi dự đám cưới ở Tây Ninh về, khi qua địa phận xã Suối Ngô (hoặc Suối Dây, ông không nhớ rõ, thuộc H.Tân Châu) xe ngừng lại cho mọi người đi vệ sinh thì ông Tuấn thấy bày bán chim bị vặt lông sẵn nên xin chụp ảnh và đăng Facebook.
Cũng trong sáng qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh liên hệ với ông Tuấn để nắm thêm thông tin, đồng thời cử lực lượng kiểm tra địa bàn xã Suối Dây và Suối Ngô để làm rõ về điểm mua bán chim rừng mà ông Tuấn đề cập.
“Theo thông tin tôi nắm được trên địa bàn 2 xã này từ trước đến nay không có điểm nào mua bán chim thịt hay thịt thú rừng”, ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, cho hay.
Theo ông Thới: “Nếu đúng như lời ông Tuấn trình bày, chim được rao bán với giá 120.000 đồng/con, rất nhiều con với trọng lượng khoảng 0,5 kg/con thì khó có thể là chim hồng hoàng. Vì loài hồng hoàng rất hiếm và có trọng lượng lớn. Trong khi chim cao cát hiện có nhiều chỗ nuôi được”.
Cùng ngày, PV Thanh Niên đã tìm đến xã Suối Dây và Suối Ngô như lời ông Tuấn đề cập để tìm hiểu về điểm bán loài chim này nhưng không có thông tin. Lãnh đạo UBND 2 xã này cũng xác nhận không hề có điểm bán chim thịt nào trên địa bàn.
Theo ông Mang Văn Thới, chim cao cát không nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ nhưng lại thuộc loài nguy cấp nằm ở phụ lục 2 Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), tức là cho buôn bán nhưng có kiểm soát.
"Các hành vi vi phạm vẫn có thể bị xử lý theo điều 234 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc nhóm 2B hoặc phụ lục 2 Công ước CITES nếu tang vật trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", ông Thới cho hay.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), cho biết từ hình ảnh 2 con chim bị vặt lông đăng trên mạng xã hội, ENV đã trao đổi với Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật và nhận định đây loài cao cát bụng trắng (tên khoa học Anthracoceros albirostris) thuộc phụ lục 2 Công ước CITES.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.