Cơm công nhân quá kém - Kỳ 2: Cần những bếp ăn hiện đại

24/10/2015 11:00 GMT+7

Từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 33 vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể, với 2.302 người mắc. So với cùng kỳ năm ngoái, số người bị ngộ độc tập thể trong khu công nghiệp tăng đến 697 người. Đáng chú ý, gần 50% các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể là do vi sinh (thực phẩm nhiễm vi khuẩn).

Từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 33 vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể, với 2.302 người mắc. So với cùng kỳ năm ngoái, số người bị ngộ độc tập thể trong khu công nghiệp tăng đến 697 người. Đáng chú ý, gần 50% các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể là do vi sinh (thực phẩm nhiễm vi khuẩn).

Công nhân Công ty giày Vĩnh Nghĩa (Bình Dương) bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu ngày 21.10.2015 - Ảnh: Đỗ TrườngCông nhân Công ty giày Vĩnh Nghĩa (Bình Dương) bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu ngày 21.10.2015 - Ảnh: Đỗ Trường
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết: “Theo giám sát của chúng tôi, có đến 70% các vụ ngộ độc tập thể tại khu công nghiệp (KCN) là do suất ăn được cung cấp từ các cơ sở bên ngoài KCN ký hợp đồng cung cấp với chủ lao động. Thời gian chế biến, bảo quản vận chuyển dài, vệ sinh kém rất thuận lợi cho vi sinh nhân lên, sinh độc tố gây ngộ độc”.
Ông Phong cho rằng khi phê duyệt quy hoạch KCN nên dành đất cho bếp ăn tập thể để cung cấp cho công nhân (CN), tránh việc vận chuyển thức ăn từ xa đến làm tăng ô nhiễm, khó kiểm soát chất lượng.
Doanh nghiệp cần xem công nhân là tài sản
Theo ông Giang Văn Nam, Trưởng ban Chính sách - pháp luật (LĐLĐ TP.HCM), TP hiện có gần 300.000 CN làm việc ở các KCX, KCN. Tùy vào điều kiện của từng doanh nghiệp, CN được đặt sẵn phần ăn từ bên ngoài mang vào, hoặc ăn tại bếp ăn tập thể do doanh nghiệp tổ chức nấu, một số doanh nghiệp thì phát tiền mặt cho CN tự lo bữa ăn. Bình quân 1 suất ăn của CN từ 13.000 - 15.000 đồng. Trước đây, có tình trạng CN ngừng việc tập thể, yêu cầu tăng chất lượng bữa ăn, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay không xảy ra. “DN cần xem CN là một tài sản, là lực lượng làm ra sản phẩm tạo nguồn lợi cho DN nên phải đặc biệt quan tâm chăm lo đến sức khỏe, bữa ăn cho CN để họ tái tạo sức lao động. Các DN chăm lo tốt đời sống, bữa ăn cho CN thì CN gắn bó, lao động đạt năng suất cao”, ông Nam nói và cho rằng cần hình thành những trung tâm suất ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng, ATTP ngay tại các KCX, KCN để DN và CN dễ dàng tiếp cận.
Tân Phú
Nguyên liệu rẻ tiền rất dễ nhiễm độc tố
Đáng chú ý, người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cũng nhìn nhận cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giám sát quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, đặc biệt ở cấp quận, huyện.
“Thực tế, có công ty quy mô 18 bếp ăn, mỗi ngày cung cấp hàng ngàn suất ăn cho KCN nhưng 10/18 bếp ăn của họ suốt thời gian dài không hề có chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) mà cơ quan quản lý tại địa phương vẫn để tồn tại, đến khi xảy ra ngộ độc mới bị xử lý”, ông Phong cho biết.
Theo ông, các đợt kiểm tra vừa qua đã phát hiện vi phạm phổ biến tại các bếp ăn như: không đảm bảo vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ - là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
“Đặc biệt, các suất ăn cho CN có chi phí rất thấp, phần lớn chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/suất, đã bao gồm cả lợi nhuận của nhà cung cấp. Như vậy chi phí thực chỉ khoảng 9.000 - 10.000 đồng/suất ăn, quá thấp như vậy khó có thể đảm bảo về chất lượng của nguyên liệu. Nguyên liệu ôi, cũ, rẻ tiền rất dễ nhiễm vi sinh, độc tố”, ông Phong nhấn mạnh.
PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng cho rằng chi phí bữa ăn cho CN thường chưa đủ để có khẩu phần ăn đủ về số lượng và cân đối về chất lượng, không đủ để CN tái tạo sức lao động. Cơ quan chức năng cần ban hành quy định về giá trị dinh dưỡng, mức giá đối với suất ăn phù hợp các mức lao động của CN.
Đáng báo động là một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia đã cho thấy chất lượng bữa ăn mới đáp ứng khoảng 80 - 85% nhu cầu năng lượng của CN. Phần lớn CN nữ ở lứa tuổi sinh đẻ 18 - 25, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đói vi chất ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Sớm có quy định về bữa ăn công nhân
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nhìn nhận để xảy ra những vụ ngộ độc tập thể, ngoài trách nhiệm của y tế địa phương còn có trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở. Công đoàn chưa làm tròn trách nhiệm chăm lo cho người lao động, không kiểm soát chất lượng thực phẩm, không biết thực phẩm được mua, được nấu như thế nào... cũng không hay.
Theo ông Chính, trước đây Tổng LĐLĐ VN đã kiến nghị với Thủ tướng trong luật Lao động cần quy định rõ bữa ăn cho CN nhưng phía Bộ LĐ-TB-XH không đồng tình vì cho rằng đây là thỏa thuận thương lượng tập thể giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ VN đã đề nghị Bộ Y tế tăng cường kiểm tra bữa ăn CN, buộc các cơ sở cung cấp suất ăn phải tuân thủ các quy định về ATVSTP.
Về giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng bữa ăn, đại diện Tổng LĐLĐ cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP, phải có chế tài xử phạt nghiêm và kiên quyết đối với những vi phạm.
“Cách tính suất ăn như hiện nay của doanh nghiệp chỉ cảm tính, chưa có định lượng. Tổng LĐLĐ đã giao cho Viện Khoa học và Lao động nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về suất ăn cho CN, trong đó tính toán định lượng calorie, dinh dưỡng... Đây là cơ sở để chúng tôi kiến nghị với Chính phủ để bắt buộc doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ bữa ăn cho CN”, ông Chính chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cũng cho rằng, để bữa ăn cho CN tốt, rất cần vai trò của Công đoàn trong doanh nghiệp. Chất lượng bữa ăn như thế nào tùy thuộc vào từng đơn vị và tùy thuộc vào thỏa thuận hai bên (Công đoàn và chủ sử dụng lao động). Vì vậy, Công đoàn phải tích cực đấu tranh vì người lao động, thương lượng với chủ sử dụng để có bữa ăn chất lượng cho CN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.