Công bố bản đồ dự báo ngập lụt, nước biển dâng khi có siêu bão

29/03/2019 13:21 GMT+7

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) bàn giao cho Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) bản đồ, kịch bản ngập lụt khi có bão, siêu bão và sự cố vỡ đập, để lên phương án ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.

Sáng 29.3, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai và Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) và là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận bản đồ ngập lụt, nước biển dâng khi có tình huống bão mạnh, siêu bão.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, bản đồ được xây dựng với tình huống bão mạnh từ cấp 13 trở lên cho đến siêu bão, với phạm vi áp dụng cho 25 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh cho đến Kiên Giang. Bên cạnh đó, bộ sản phẩm này đưa ra 5 kịch bản ứng phó với bão mạnh từ cấp 13 - 16 khiến nước biển dâng cao có thể xảy ra ở ven biển Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng công bố kịch bản tính toán trong tình huống xả lũ lớn, vỡ đập 6 lưu vực sông liên tỉnh, gồm sông Hồng, sông Mã, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Srêpok, sông Sê San và 119 kịch bản ngập lụt cho 46 hồ chứa lớn ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam bộ.
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), cho biết bộ sản phẩm này nhằm xác định phạm vi ngập, chiều sâu ngập và thời gian truyền lũ khi có tình huống thiên tai, sự cố vỡ đập. Đây cũng là dữ liệu quan trọng giúp các địa phương xây dựng phương án ứng phó, đặc biệt là tình huống sơ tán dân; quy hoạch các công trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Quang, mỗi năm 1 lần, cơ quan nghiên cứu phối hợp với các địa phương cập nhật dữ liệu cho các bản đồ, kịch bản để nâng cao tính hiệu quả, độ chính xác của của bộ sản phẩm.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho biết, trong 20 năm Việt Nam hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (chỉ còn sóng thần chưa xảy ra), thiệt hại, tổn thất nặng nề về người và tài sản.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 400 người chết, mất tích do thiên tai và thiệt hại kinh tế chiếm từ 1 - 1,5% GDP/năm. Công ước khung của Liệp Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 24)  xếp Việt Nam là 1/10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, khi thiên tai những năm gần đây diễn biến phức tạp, khó lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.